Bà con Canh Thuận chung tay giữ gìn môi trường
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng dân tộc thiểu số từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở từng khu dân cư.
Cộng đồng cùng chung tay
Như thường lệ, vào mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần, không cần thông báo trước, đông đảo người dân làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận) đều tự giác cầm theo cuốc, xẻng, chổi... chia thành từng nhóm nhỏ để vệ sinh các tuyến đường trong khu dân cư, trục đường liên thôn. Mỗi người một việc, đàn ông phát quang hai bên đường; phụ nữ thì quét dọn lòng đường, chăm sóc cây, hoa, dọn dẹp nhà cửa.
Chị Đinh Thị Hà (SN 1985, dân tộc Bana, ở làng Hà Văn Trên) cho hay, những năm trước đây, môi trường sống ở làng bị ô nhiễm, việc dọn rác ít người hưởng ứng. Được Hội LHPN xã và Ban Công tác Mặt trận làng thường xuyên vận động bảo vệ môi trường (BVMT), người dân thấy đúng và có ý thức tham gia xây dựng môi trường sống tốt hơn.
“Sáng Chủ nhật hằng tuần, người dân trong làng lại tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường. Công việc có đôi chút vất vả, nhưng qua hoạt động này, các tuyến đường trong làng được quét dọn gọn gàng, sạch đẹp nên mọi người đều hăng hái tham gia”, chị Hà cho biết.
Theo Trưởng Ban Công tác Mặt trận làng Hà Văn Trên Đinh Văn Hợi, dọn vệ sinh vào ngày Chủ nhật đã dần trở thành hoạt động quen thuộc đối với người dân trong làng. Cùng với đó, các gia đình còn thường xuyên nhắc nhở, dặn dò con em có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, nên làng không còn bị ô nhiễm rác thải.
Người dân làng Hà Văn Trên và cán bộ Hội LHPN xã Canh Thuận chăm sóc tuyến đường hoa trên trục đường liên thôn. Ảnh: T.C
Còn tại làng Hà Lũy, bên cạnh các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường, Ban Công tác Mặt trận làng và các hội, đoàn thể còn vận động người dân tự thu gom rác, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế các điểm chứa rác tự phát; không thả rông gia súc gây ảnh hưởng đến môi trường sống; hướng dẫn hộ gia đình tự phân loại rác thải tại nhà... góp phần xây dựng nếp sống mới ở địa phương.
Bà Đinh Thị Huyền (SN 1974, dân tộc Bana, ở làng Hà Lũy) chia sẻ, đối với rác thải sinh hoạt hằng ngày, trước đây bà thường gom chung rồi đem đi đổ. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, bà đã thực hiện phân loại rác thải tại nhà. “Lúc đầu, tôi làm chưa quen nên việc phân loại rác mất thời gian. Khi đã hình thành thói quen, tôi thấy việc phân loại rác rất hữu ích, vừa có phân hữu cơ phục vụ sản xuất, vừa có một khoản tiền nhỏ từ bán phế liệu. Quan trọng hơn là có thể BVMT sống quanh mình”, bà Huyền cho biết.
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Theo ông Mai Văn Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Canh Thuận, thời gian qua, MTTQ xã và các tổ chức thành viên đã xây dựng, phát động các phong trào, mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen BVMT cho người dân ở các thôn, làng.
Cụ thể như tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BVMT từ những việc làm đơn giản như nhặt rác, đổ rác đúng nơi quy định; vận động mỗi hộ ở các khu dân cư chủ động tham gia phong trào Toàn dân tham gia BVMT, xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp; hạn chế dùng túi ny lông, từ bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường…
“Sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể xã đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân đối với công tác vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng cảnh quan các khu dân cư luôn xanh, sạch, đẹp và thực hiện hiệu quả tiêu chí số 17 (Môi trường) trong xây dựng nông thôn mới của xã”, ông Hương nói.
Bà Đinh Thị Xuân Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, cho biết để nâng cao ý thức BVMT cho người dân, UBND xã sẽ đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã xây dựng thêm nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn; nhân rộng các mô hình tự quản BVMT ở các thôn, làng; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường sống.
TRIỀU CHÂU