Xử lý nghiêm vụ phá rừng tại xã Mỹ Lộc
Ðến nay, đơn vị chức năng đã có kết luận giám định diện tích rừng tại khu vực hồ Vạn Ðịnh (xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) bị khai thác trái phép cũng như giá trị rừng trồng bị thiệt hại do hành vi này gây ra. UBND huyện Phù Mỹ và ngành chức năng liên quan tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Theo kết quả giám định của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT), tổng diện tích rừng bị khai thác trái phép tại khu vực hồ Vạn Định thuộc khoảnh 1, khoảnh 3, tiểu khu (TK) 131, thôn Vạn Định (xã Mỹ Lộc) là hơn 2,68 ha; tổng giá trị cây rừng bị thiệt hại gần 210 triệu đồng. Toàn bộ diện tích rừng bị khai thác trái phép là rừng trồng (cây keo lai) thuộc khu vực quy hoạch chức năng rừng phòng hộ.
Cây rừng tại khoảnh 1, khoảnh 3, TK 131 bị khai thác trái phép. Ảnh: C.L
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: UBND huyện đã chuyển kết quả giám định rừng bị khai thác trái phép tại khu vực hồ Vạn Định cho cơ quan Thanh tra huyện tiếp tục củng cố hồ sơ. Sau khi có kết luận cuối cùng, UBND huyện Phù Mỹ sẽ xử lý nghiêm các cá nhân liên quan theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, năm 2023, một số cá nhân ở thôn Vạn Định tự ý thỏa thuận, bán rừng trồng tại khu vực hồ Vạn Định cho các ông: Lê Văn Nhân (ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ), Phùng Xuân Tín (ở thôn Vạn Định) và Trần Đình Đào (ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) để họ khai thác gỗ. Đáng nói, khu vực rừng tại hồ Vạn Định, thuộc khoảnh 1, khoảnh 3, TK 131 đã được Nhà nước quy hoạch chức năng phòng hộ, do đơn vị chức năng có thẩm quyền quản lý theo quy định.
Được biết, diện tích rừng bị khai thác trái phép vào năm 2023, tại khoảnh 1, khoảnh 3, TK 131 trước đây một số người dân địa phương đã từng lấn chiếm, phát dọn và trồng cây. Sau đó, UBND xã Mỹ Lộc và ngành chức năng liên quan của huyện Phù Mỹ kiểm tra, yêu cầu chấm dứt hành vi lấn chiếm, trả lại đất cho Nhà nước quản lý theo quy định.
Tuy nhiên, người dân không chấp hành, tiếp tục trồng cây trên đất lấn chiếm nên năm 2016 UBND huyện Phù Mỹ phối hợp với ngành chức năng liên quan cắt bỏ toàn bộ cây do người dân trồng trái phép. Sau đó, số cây bị cắt bỏ tái sinh, nảy chồi và phát triển thành rừng trong lưu vực hồ chứa nước Vạn Định. UBND huyện Phù Mỹ đề nghị giữ lại số cây rừng tái sinh này để khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ theo chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vạn Định và được UBND tỉnh thống nhất.
Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khai thác, hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 m2 đến dưới 7.000 m2 thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
CÔNG LUẬN