Những cô giáo tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Báo Bình Ðịnh giới thiệu 3 trong rất nhiều nữ giáo viên tiêu biểu của tỉnh luôn nỗ lực tự học, tự hoàn thiện bản thân, tiên phong trong hành trình đổi mới sáng tạo, đầy tâm huyết, trách nhiệm với gia đình, nhà trường và xã hội.
“Cầu nối” yêu thương
Nhiều năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định đã gần như mặc định vai trò này cho cô Hoàng Thị Hà Thanh, sinh năm 1971, Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Đa số giáo viên trẻ của trường rất thích cách nhìn lạc quan trước mọi khó khăn của Chủ tịch Công đoàn trường nên hầu như ai có tâm tư, nguyện vọng gì cũng nghĩ ngay đến việc xin lời khuyên từ cô Thanh.
Cô Hoàng Thị Hà Thanh tặng quà cho học sinh. Ảnh: NVCC
Cô giáo Lương Thị Thu Sinh, nguyên Bí thư Đoàn trường, chia sẻ: “Cô Thanh nhanh nhẹn, siêng năng và chịu khó cực kỳ, nhất là với học sinh có học lực không tốt. Gần 20 năm công tác tại trường, tôi thấy cô Thanh giúp được ai là giúp ngay, lúc nào cũng nghĩ đến người khác trước rồi mới nghĩ đến mình, cuộc vui nào cô cũng tính toán sắp đặt để tất cả mọi người đều có thể góp mặt...”.
Gần 30 năm công tác tại trường, thấu hiểu tâm sinh lý học sinh dân tộc thiểu số xa nhà nên cô Thanh chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn rất hiệu quả, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực cho cả giáo viên trẻ mới về trường và học sinh vào lớp 10.
Cô Võ Thị Bích Lệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định, cho biết, cô Thanh tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm và được mọi người tin yêu, tín nhiệm. Trong công tác chuyên môn, cô luôn phấn đấu vượt lên chính mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong hoạt động Công đoàn, cô luôn tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên tham gia các phong trào thi đua do các cấp công đoàn phát động; thường xuyên động viên, chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong chuyên môn cũng như cuộc sống.
Thay đổi phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học
Gặp cô giáo Sô Y Mơ Hành, giáo viên điểm lớp Kà Xim 2, Trường Mẫu giáo xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) tại lễ khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh năm học 2023 - 2024, vẫn thấy cô háo hức như lần đầu dự thi.
Cô giáo Sô Y Mơ Hành không ngừng tìm kiếm phương pháp dạy học tích cực, để trẻ tiến bộ từng ngày. Ảnh: N.T
Hai lần đạt giải tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cô Hành được lãnh đạo Trường Mẫu giáo xã Canh Thuận và lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh đánh giá cao về năng lực chuyên môn. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Canh Thuận Vũ Thị Hạnh đánh giá: “Cô giáo Sô Y Mơ Hành rất cầu tiến trong công tác chuyên môn. Cô luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo trong cách chăm sóc, giáo dục và ứng dụng trên lớp với mong muốn trẻ tiến bộ nhiều hơn, nhanh hơn nữa”.
Do đặc thù địa lý, toàn bộ lớp học của Trường Mẫu giáo xã Canh Thuận là lớp ghép 3 độ tuổi (3, 4, 5 tuổi) và phải sinh hoạt chung với trường tiểu học. Bất tiện đó không “làm khó” được cô giáo Hành, thay vào đó, cô thường xuyên làm đồ dùng dạy học trực quan, để dạy tiếng Việt hiệu quả hơn cho trẻ.
Cô Hành chia sẻ: “Tôi tập cho trẻ 3 tuổi nói tiếng Việt ngay khi ra lớp. Em nào nhút nhát quá, tôi dùng tiếng Bana thuyết phục các em hãy cố gắng. Nhờ vậy, trẻ của lớp tôi nói tiếng Việt khá rành, đặc biệt số em 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 nói tiếng Việt rất tốt”.
8 năm giảng dạy tại trường, cô Hành hỗ trợ giáo viên người Kinh học tiếng Bana để hiểu trẻ nhiều hơn. Cô thường xuyên soạn bài phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ trẻ. “Tôi muốn tìm hiểu thật nhiều phương pháp dạy học tích cực, để học trò của tôi tiến bộ nhanh hơn, nhiều hơn nữa. Tham dự các hội thi là cơ hội tốt để tôi gặp gỡ, biết nhiều đồng nghiệp các trường, kết nối và học hỏi từ họ”, cô Hành chia sẻ.
Cô giáo như mẹ hiền
Lãnh đạo Trường THCS Ngô Mây (huyện Phù Cát) cùng nhiều phụ huynh và học sinh đã xác nhận điều này khi nói về cô Võ Thị Quỳnh Nga, giáo viên dạy môn Ngữ văn của trường.
Với nhiều học sinh, cô Võ Thị Quỳnh Nga thực sự là một người mẹ hiền. Ảnh: NVCC
Có cậu con trai khá cá tính, lại đang ở tuổi dậy thì, chị Nguyễn Thị Như Lan (ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) thừa nhận: Con của tôi nhưng đôi khi không nghe lời tôi mà lại nghe lời cô giáo chủ nhiệm Quỳnh Nga. Riết rồi, muốn khuyên bảo gì con, phải nhờ cô Nga nói hộ. “Không chỉ tôi đâu, đa số phụ huynh của lớp 8A2 đều có chung nhận xét, rằng cô Nga rất nhiệt tình, rất trách nhiệm. Thật lòng, nhiều khi thấy cô bận bịu, tôi nhờ cô quan tâm con mà cũng thấy ngại. Vậy mà cô luôn vui vẻ, làm ngay. Tôi nghĩ, điều đó làm tôi thấy trân quý tấm lòng vì học trò của cô”, chị Lan trò chuyện.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Chiến đánh giá: “Cô Nga luôn tích cực, làm việc gì cũng rất sát sao, có vấn đề gì là trao đổi ngay với phụ huynh và báo nhà trường. Vậy nên, mọi khúc mắc đều được các bên thấu tỏ ngọn ngành và cùng bàn bạc, đưa ra giải pháp phù hợp. Nhờ đó, phụ huynh tin tưởng, học trò cũng “tâm phục khẩu phục”, làm theo”.
Cô Nga là một nhân tố tích cực của nhà trường, mọi hoạt động đều hoàn thành xuất sắc. Cô được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen giáo viên có thành tích xuất sắc trong hai năm liền (năm học 2020 - 2021 và năm học 2021 - 2022); đạt giải nhì Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THCS cấp tỉnh; 2 lần đạt giải nhì môn Ngữ văn Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phù Cát tặng giấy khen đảng viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2019 - 2023)…
Em Trần Võ Tường Vi, học sinh lớp 8A2 nhận xét: Cô Nga không chỉ là cô giáo mà còn là hình ảnh của người mẹ ân cần dạy dỗ, hướng dẫn, chỉ bảo các em bao điều hay, lẽ phải, những kỹ năng sống thường ngày để trở thành những con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội.
NGỌC TÚ