Những “bóng hồng” chọn nghề kỹ thuật
Từ trước đến nay, các nữ sinh thường ít mặn mà với khối ngành công nghệ, kỹ thuật do các quan niệm truyền thống về tư duy, thể chất và tâm lý. Dù ít và hiếm, song khi đã chọn học nghề “nam tính”, các nữ sinh luôn kiên định và say mê với lựa chọn của mình.
Hiếm và quý
Sau hai năm theo học nghề thuộc khối ngành kỹ thuật, hai gương mặt nữ thuộc “hàng hiếm” của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn: Lê Thị Yến Nhi (31 tuổi, quê ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn; lớp CĐ K16 Công nghệ ô tô A, khoa Công nghệ ô tô) và Hà Tiểu My (21 tuổi, quê ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân; lớp CĐ K16 Điện Công nghiệp A, khoa Điện) đã có một hành trình học tập với nhiều dấu ấn nổi bật. Cả hai nữ sinh viên đều đạt được kết quả học tập giỏi, là sinh viên 5 tốt cấp tỉnh năm học 2022 - 2023, nhận được nhiều giải thưởng và học bổng của DN.
Lê Thị Yến Nhi - Bí thư Chi đoàn CĐ K16 Công nghệ ô tô A, Phó Chủ tịch Hội sinh viên khoa Công nghệ ô tô - liên tục góp mặt trong nhiều hội thi cấp trường, cấp tỉnh và có duyên với giải nhì của các cuộc thi. Nhi đạt giải nhì cuộc thi Nét đẹp học nghề cấp trường năm 2022 và là thí sinh đạt giải Ứng xử hay nhất của cuộc thi; giải nhì Hội thi “Thủ lĩnh Sinh viên Bình Định” năm 2023; Giải nhì Hội thi “Tiếng hát hay ngoại ngữ trong cán bộ Đoàn, Hội” năm 2023…
Yến Nhi cùng các sinh viên nam thực hành bên thiết bị nghề công nghệ ô tô. Ảnh: N.M
Là gương mặt nữ duy nhất của lớp, của khoa, Hà Tiểu My được tin tưởng bầu làm lớp trưởng và Bí thư Chi đoàn CĐ K16 Điện Công nghiệp A. “Em là cán bộ lớp, thủ lĩnh Đoàn gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào và đạt nhiều thành tích tốt. Trong học tập, My chăm chỉ và đạt được kết quả học tập loại giỏi. Em luôn giữ tinh thần hòa đồng, gắn kết cả tập thể với nhau. Dịp khai giảng năm học 2023 - 2024 vừa qua, My là sinh viên tiêu biểu, đại diện cho sinh viên toàn trường phát biểu”, cô Đoàn Thị Khánh Chi, giáo viên chủ nhiệm lớp CĐ K16 Điện Công nghiệp A, cho biết.
Mỗi cô gái đều có lý do riêng để theo đuổi nghề thuộc khối ngành kỹ thuật. Nếu Tiểu My đầy lý trí vì muốn lựa chọn một ngành nghề có thu nhập tốt và dự định sẽ đi làm việc tại Nhật Bản sau tốt nghiệp theo định hướng của người thân (đang làm việc tại Nhật Bản), Yến Nhi lại bắt đầu lựa chọn vì gợi ý của người cha đã mất và sự ủng hộ của người chồng.
Nhi tâm sự: “Cha tôi rất mong con gái học công nghệ ô tô. Còn chồng tôi thì rất ủng hộ, khuyến khích vợ bắt đầu việc học một nghề cụ thể để có chút “vốn liếng” cho chính mình, tự nâng cấp bản thân lên một phiên bản tốt hơn. Bản thân tôi tin nghề nghiệp không có sự giới hạn về giới tính, chẳng qua, chính quan niệm truyền thống và suy nghĩ chưa được cởi mở của mỗi cá nhân làm giới hạn sự lựa chọn thôi”.
Vượt qua khó khăn
Kiên định với sự lựa chọn của mình, song cũng có nhiều thời điểm, cả Tiểu My và Yến Nhi đều nhận ra một số khó khăn đặc thù khi theo học nghề khối kỹ thuật.
My cho rằng: “Con gái vốn ít rành về điện. Có những thời điểm, em nhận thấy bản thân mình không rành, không nhạy về các kỹ thuật đấu nối như các bạn nam. Những lúc như vậy, em chọn hỏi các bạn nam để hiểu cặn kẽ vấn đề; dành thời gian thực hành đi thực hành lại. Điểm thuận lợi là em học nghề nên thời gian thực hành trên lớp, cơ hội để em rèn luyện cho thành thục rất nhiều”.
Tiểu My là nữ sinh duy nhất của khoa Điện. Ảnh: N.M
Trong khi đó, Yến Nhi lại cho biết: “Sức khỏe chính là giới hạn lớn nhất của các nữ sinh viên khi học nghề công nghệ ô tô. Một số môn cần rất nhiều sức để khuân vác, vặn siết. Cách để vượt qua là phải nhờ sự hỗ trợ của “đồng đội” nam. Ở chiều ngược lại, mình có thể hỗ trợ các bạn nam về những lý thuyết, nguyên lý mà mình nắm rõ”.
Cũng đề cập đến khó khăn về thể lực, Trần Xuân Phương Trinh (27 tuổi, ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; cựu sinh viên bộ môn Cắt gọt kim loại, khoa Cơ khí Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) chia sẻ: “Các bộ môn của ngành cơ khí đòi hỏi người học phải vận động tay chân khá nhiều nên các bạn nữ cần chuẩn bị kỹ về thể lực. Ngoài ra, sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng khi tiếp xúc, làm việc với máy móc là không thể thiếu. Nhưng, những vất vả, khó khăn đó đều sẽ dễ dàng vượt qua khi ta thật sự yêu nghề”.
Phương Trinh tốt nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn vào thời điểm dịch Covid-19 đang ở đỉnh điểm. Vì vậy, cô không thể di chuyển vào thị trường lao động các tỉnh miền Nam - nơi có nhu cầu cao về tuyển dụng ngành cơ khí. Trinh quyết định tìm việc trong lĩnh vực điện máy ở TP Quy Nhơn và đang tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này tại tỉnh Phú Yên. Dù không gắn bó với chuyên ngành mà mình đã theo học nhưng cô rất vui vì công việc hiện tại vẫn liên quan đến một phần kiến thức đã được trang bị.
NGUYỄN MUỘI