Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh: Nâng tầm giá trị nông sản
Thực hiện đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản ghi chép hồ sơ truy xuất nguồn gốc; thiết lập và giám sát mã số vùng trồng; kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Quyết định số 100 về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 19.1.2019 (Đề án 100), nhấn mạnh mục tiêu về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc (TXNG) để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Thực hiện đề án này, ngày 12.3.2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 18 về triển khai đề án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng được áp dụng là DN, tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa, bán và trao đổi hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch và TXNG sản phẩm, hàng hóa. Tổ chức, DN, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp liên quan đến mã số, mã vạch, TXNG sản phẩm, hàng hóa, cũng như các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về mã số, mã vạch và TXNG sản phẩm, hàng hóa.
Căn cứ theo lộ trình triển khai, từ năm 2021 đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định (thuộc Sở KH&CN) đã tập trung hỗ trợ 28 sản phẩm ứng dụng hệ thống TXNG. Trong năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tổ chức khảo sát, lựa chọn 9 tổ chức, DN, HTX để hỗ trợ, triển khai xây dựng hệ thống TXNG, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và nhãn hàng hóa. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia xây dựng, áp dụng hệ thống TXNG đối với 5 sản phẩm, gồm: Ớt, yến sào, bưởi, dừa xiêm, xoài trên địa bàn tỉnh, ứng dụng giải pháp công nghệ trong TXNG và kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Bưởi da xanh Hoài Ân đã có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Tạ Chí Đông Luân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, nhìn nhận: “Việc TXNG hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản không những giúp làm rõ ràng lý lịch sản phẩm hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là gia tăng niềm tin nơi người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm an toàn, có địa chỉ xuất xứ tin cậy, giúp nông dân khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường”.
Huyện Hoài Ân là một trong những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất Bình Định; đặc biệt là cây bưởi da xanh, với hơn 342 ha, trong đó đã có 45 ha hợp chuẩn VietGAP. Đến nay, bưởi da xanh của huyện đã được xây dựng hệ thống TXNG. Đáng chú ý, để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã liên kết tiêu thụ với các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Trước khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm này được dán mã QR nhận diện nhãn hiệu và TXNG sản phẩm, giúp nâng cao uy tín cho sản phẩm.
Sở Công Thương cũng tích cực hỗ trợ 10 DN sử dụng mã QR để TXNG của sản phẩm, qua đó giúp các DN bảo đảm công khai, minh bạch, xác thực thông tin TXNG của sản phẩm; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý mã số, mã vạch và TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã cấp giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng nội địa cho 15 vùng trồng, gồm các loại cây trồng về rau dưa các loại, cây ăn trái đã được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, chứng nhận an toàn thực phẩm; hướng dẫn trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký sản phẩm an toàn theo chuỗi; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn phần mềm truy xuất và hỗ trợ tem điện tử cho một số cơ sở; phối hợp hỗ trợ xây dựng và đánh giá cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018.
Năm 2024, để tiếp tục triển khai Đề án 100 và Kế hoạch số 18 của UBND tỉnh đạt hiệu quả cao, Sở KH&CN đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tiếp tục hỗ trợ, duy trì hoạt động hiệu quả đối với 5 sản phẩm đã được áp dụng hệ thống TXNG, đồng thời lựa chọn 2 sản phẩm nông sản tiêu biểu khác để triển khai mới. Ngoài ra, hằng năm, đơn vị còn hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 sản phẩm OCOP phát triển thành hàng hóa với năng suất cao, chất lượng tốt được sản xuất ở quy mô lớn, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Tạ Chí Đông Luân cho biết thêm: “Hiện nay, công tác khảo sát, đánh giá và lựa chọn sản phẩm cơ bản đã hoàn thành. Theo đó, có 10 địa phương (trừ huyện Vĩnh Thạnh) đã tìm được các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng phát triển để xây dựng hệ thống TXNG. Đây cũng là giải pháp nâng cao giá trị, thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản bằng các nền tảng số. Giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, quản lý về nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Góp phần thiết thực cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng’.
TRỌNG LỢI