Cao điểm xâm nhập mặn ở ĐBSCL có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt
Dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3.2024 vẫn ở mức thấp kéo theo xâm nhập mặn từ nay đến giữa tháng 3 vẫn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Theo Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn.
Bởi vậy, dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3.2024 vẫn ở mức thấp kéo theo xâm nhập mặn từ nay đến giữa tháng 3 vẫn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Đo mặn ở các huyện ven sông Hậu tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)
Dòng chảy trên thượng nguồn sông Mekong tại trạm Kratie trong tháng 2.2024 có xu thế giảm nhanh và dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc biến đổi theo thủy triều.
Trong tháng 2, xâm nhập mặn tăng cao nhất từ đầu mùa khô đến nay xuất hiện trong kỳ triều cường dịp Tết Nguyên đán. Ranh mặn 4g/l vùng cửa sông Cửu Long từ 41-50km, so với trung bình nhiều năm cao hơn 7-12 km; so với năm 2023 cao hơn từ 9-15km. Ranh mặn 4g/l vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 60-64 km, so với trung bình nhiều năm cao hơn từ 2-5km, so với năm 2023 cao hơn từ 2-8km.
Cục Thủy lợi dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2024, ở vùng các cửa sông Cửu Long ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 45-65km (tùy từng cửa sông), so với năm 2023 cao hơn từ 4-9km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 50-60km trong các kỳ triều cường.
Ranh mặn 4g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 80-85km, so với năm 2023 cao hơn từ 13-15km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 75km trở xuống vào các ngày triều cường.
Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.
Tuy nhiên, triều cường, gió chướng có thể làm ranh mặn xâm nhập sâu thêm từ 3-6 km. Xâm nhập mặn có nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng gần 40.000 ha lúa (Tiền Giang 1.400ha, Bến Tre 7.500 ha, Trà Vinh 13.000ha và tỉnh Cà Mau 15.000ha) và khoảng 43.300ha vùng chuyên canh cây ăn trái của các tỉnh Long An với 3.100ha, Tiền Giang 21.800ha, Bến Tre 16.000ha, Sóc Trăng 3.400ha.
Cục Thủy lợi khuyến nghị các địa phương trong khu vực tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để tăng cường vận hành công trình thủy lợi lấy và trữ nước ngọt trong nội đồng; khoanh vùng cụ thể các diện tích cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái, nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để trữ nước dự phòng.
(Theo TTXVN/Vietnam+)