Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Dù vậy, tiến độ triển khai chương trình ở các địa phương vẫn còn chậm. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, xung quanh vấn đề này.
Theo ông Bùi Tiến Dũng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (gọi tắt là Chương trình) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được các địa phương, nhân dân trong cả nước ủng hộ cao. Tại tỉnh Bình Định, các địa phương được thụ hưởng Chương trình có 5 huyện gồm: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn.
Từ nguồn lực của Chương trình đã giúp cho các địa phương có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học, đặc biệt là các trường nội trú, bán trú trên địa bàn các huyện miền núi; hỗ trợ nâng cao sức khỏe, phổ biến pháp luật cho người dân...
Năm 2023, kinh phí được giao từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình là hơn 339,7 tỷ đồng. Tỉnh đã giải ngân được hơn 153/260 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58,69%; trong đó, vốn đầu tư đạt gần 62,7% và vốn sự nghiệp đạt gần 59%.
Kết quả thực hiện Chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hằng năm từ 3 - 4%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; 90% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 70% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông...
* Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, tỉnh đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
- Năm 2022, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh làm Trưởng ban. Các sở, ban, ngành liên quan được phân nhiệm vụ cụ thể. Riêng Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ kịp thời vốn trung hạn, vốn hằng năm. Vốn đầu tư được phân bổ cùng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, còn vốn sự nghiệp được phân bổ theo từng năm.
Hiện nay, tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện từng dự án, tiểu dự án, ưu tiên cao nhất là giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đối ứng. Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và Trưởng Ban Chỉ đạo nếu không đảm bảo tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch đề ra.
Trong quá trình triển khai Chương trình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình còn chỉ đạo, kịp thời giải quyết các khó khăn từ các chủ đầu tư, các địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh cùng với Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức đoàn giám sát, kiểm tra tình hình triển khai chính sách ở các địa phương; từ đó, đề xuất lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư giải ngân nguồn vốn đúng mục tiêu, đối tượng theo quy định.
Sở VH&TT bàn giao trang phục truyền thống, nhạc cụ, thiết bị âm thanh cho đội văn nghệ xã Bok Tới (huyện Hoài Ân) - hoạt động thuộc Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Ảnh: N.NHUẬN
* Theo ông, trong quá trình triển khai Chương trình, các địa phương gặp phải những khó khăn nào?
- Đáng chú ý là tiến độ giải ngân vốn đối với một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần còn chậm; chưa có sự thống nhất trong triển khai một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần từ cấp tỉnh đến cơ sở. Một số quy định, hướng dẫn của Trung ương chưa cụ thể, chưa sát thực tiễn nên việc triển khai còn khó khăn...
Mặt khác, nhiều vướng mắc khi thực hiện các tiểu dự án, dự án của các địa phương còn chưa được tháo gỡ. Cụ thể, với Tiểu dự án 1 (Dự án 3), các thôn đặc biệt khó khăn không thuộc các xã khu vực II, III không được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Với Tiểu dự án 2 (Dự án 5), chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện nội dung Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi...
* Để tháo gỡ vướng mắc, thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh đã có biện pháp khắc phục nào, thưa ông?
- Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết; phối hợp với các sở, ngành chức năng và địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch và văn bản liên quan đến thực hiện Chương trình.
Ban còn chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đề xuất với các bộ, ngành Trung ương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình, tiểu dự án, dự án cụ thể. Phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình.
Trước những vướng mắc trong thực tế, tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương cho chuyển nguồn vốn còn lại của năm 2023 sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện. Bởi, mục tiêu của Chương trình đặt ra ở tỉnh là phấn đấu giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm số hộ nghèo từ 3%/năm trở lên. Nếu nguồn vốn trả về lại cho Trung ương thì việc thực hiện mục tiêu này sẽ rất khó khăn.
* Xin cảm ơn ông!
DUY ĐĂNG (Thực hiện)