Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho phụ nữ
Không ngừng đổi mới, sáng tạo, phụ nữ Bình Ðịnh đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, trong đó có công cuộc chuyển đổi số. Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 năm nay, Báo Bình Ðịnh phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, xung quanh vấn đề nâng cao năng lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh NGUYỄN THỊ THU THỦY
* Được biết, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh rất coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; theo bà, đâu là những dấu ấn của công tác này đối với các cấp hội, hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ miền núi?
- Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong quá trình chuyển đổi số và lấy việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động; thực hiện khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng CNTT” của Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XX, từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, thực hiện khâu đột phá, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội.
Đối với công tác tuyên truyền, Hội đã linh hoạt ứng dụng hình thức minigame, thi trắc nghiệm online, truyền thông sân khấu hóa kết hợp livestream trên fanpage của Hội LHPN tỉnh; tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các sản phẩm truyền thông mạng xã hội (thiết kế infographic tuyên truyền về các sự kiện, hoạt động liên quan trên fanpage của Hội). Hiện nay fanpage của Hội LHPN tỉnh có hơn 12.300 người theo dõi. Qua đó các chương trình, hoạt động của Hội được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, kể cả ở khu vực miền núi, góp phần quảng bá về tổ chức và hình ảnh người cán bộ Hội trong thời kỳ hội nhập.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là chị em ở miền núi - khu vực vốn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Thực tế cho thấy, nhờ đó chị em nắm bắt nhanh chóng thông tin tình hình thị trường, tiếp cận khách hàng, kết nối giới thiệu nông sản địa phương... Nhờ vậy đã thu hẹp khoảng cách vùng miền, mở ra cơ hội kinh doanh mới, hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp, góp phần mạnh mẽ trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương. Từ đó, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới tại các xã đặc biệt khó khăn.
Hội LHPN tỉnh trao giải cuộc thi “Phụ nữ Bình Định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát huy tài nguyên bản địa”. Ảnh: Đ.T.D
* Còn về những thuận lợi và thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Hội LHPN tỉnh đã nhận diện ra sao, thưa bà?
- Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển xã hội, đem đến nhiều cách tiếp cận mới để nâng cao quyền năng, mang lại một loạt tiến bộ lớn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ. Chuyển đổi số tạo ra nhiều ngành nghề mới; đồng thời mang đến cơ hội bình đẳng cho chị em về tiếp cận dịch vụ, thương mại điện tử, tiếp cận nguồn tài nguyên kiến thức dồi dào từ các khóa học trực tuyến, từ đó gia tăng cơ hội việc làm. Chị em có thể khởi nghiệp ngay tại nhà, tại địa phương mình.
Công cuộc chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội mới, song cũng đặt ra những thách thức cho phụ nữ. Đó là sự thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gia tăng áp lực về dịch chuyển lao động. Một số nơi gặp khó khăn do hạ tầng CNTT, đặc biệt là cơ hội tiếp cận công nghệ đối với phụ nữ cao tuổi và phụ nữ dân tộc thiểu số tại khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Sự gia tăng của các hoạt động trực tuyến trên mạng xã hội có thể khiến phụ nữ phải đối mặt rủi ro an ninh mạng (lừa đảo, xâm phạm quyền riêng tư...).
Chính vì vậy, các cấp Hội trong tỉnh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ Hội; đồng thời quan tâm công tác tuyên truyền về chuyển đổi số trong hội viên phụ nữ. Qua đó phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Hội LHPN tỉnh tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, mở rộng khả năng kết nối cho các sản phẩm địa phương. Ảnh: Hội LHPN tỉnh
* Với vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của phụ nữ, xin bà cho biết Hội LHPN tỉnh sẽ có những hoạt động gì để giúp chị em tiếp cận những lợi ích của việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số?
- Thời gian tới, chúng tôi tập trung chỉ đạo các cấp Hội tích cực hưởng ứng cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, tham gia mô hình “Hành chính phục vụ người dân” do UBND tỉnh triển khai. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách các cấp về các nội dung như: Ứng dụng phần mềm quản lý trong hoạt động Hội, chuyển đổi số, kỹ năng livestream, tính năng cần thiết của các trang mạng xã hội...
Cùng với đó, chúng tôi sẽ quan tâm công tác số hóa tài liệu, báo cáo, thi đua khen thưởng. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (Zalo, Facebook...). Tỉnh hội vận dụng và sử dụng tối ưu hệ thống họp trực tuyến đến 159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh nhằm giảm thiểu chi phí và rút ngắn thời gian tổ chức các cuộc họp nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế số thông qua các hoạt động như: Tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tham gia sàn giao dịch điện tử, các hoạt động kinh doanh trực tuyến phù hợp với quy định của pháp luật; tham gia thanh toán điện tử, hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt.
* Xin cảm ơn bà!
THẢO KHUY (Thực hiện)