Sớm đưa thủy thủ Việt Nam trên tàu trúng tên lửa ở Biển Đỏ về nước
Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu Công ty HP Marine phối hợp với các bên liên quan làm thủ tục, sớm đưa 3 thủy thủ còn sống và thi hài thuyền viên trên tàu trúng tên lửa ở Biển Đỏ về nước.
Khói bốc lên từ tàu True Confidence bị tên lửa tấn công ở Biển Đỏ. Hình ảnh được Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ đăng ngày 7.3 trên X (trước đây là Twitter). Ảnh: X U.S. CENTRAL COMMAND
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ngày 6.3, cơ quan này nhận thông tin tàu True Confidence treo cờ Barbados trên hải trình từ Singapore đến Jeddah (Saudi Arabia) bị trúng tên lửa. Khi đó, tàu có 20 thủy thủ và 3 cảnh vệ hộ tống tàu, trong đó có 4 thuyền viên Việt Nam.
Sớm đưa thi hài thủy thủ trên tàu trúng tên lửa về nước
Vụ tấn công bằng tên lửa khiến 3 thủy thủ trên tàu True Confidence thiệt mạng, trong đó có đại phó người Việt có tên Đ.D.K. (41 tuổi).
Hiện nay, các thủy thủ còn lại đã được đưa về khách sạn Lelaurier Hotel tại Djibouti.
Để giải quyết vụ việc và đảm bảo quyền, lợi ích của các thủy thủ, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ hàng hải Hải Phòng (Công ty HP Marine) thông báo, động viên thân nhân các thủy thủ và thông tin những lao động trên được bố trí ăn ở đầy đủ, chờ làm thủ tục về nước sớm nhất.
Khẩn trương phối hợp với đối tác quản lý tàu Fleet - Hong Kong, chủ tàu Hy Lạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Djibouti làm thủ tục để đưa 3 người còn sống và thi hài thủy thủ đã mất về nước.
Yêu cầu đền bù, hỗ trợ, trả bảo hiểm cho thủy thủ
Công ty HP Marine sớm hoàn tất thủ tục để các thuyền viên được hưởng đền bù, hỗ trợ và chế độ bảo hiểm theo luật pháp quốc tế và hợp đồng cung ứng lao động đã ký với đối tác.
"Trong quá trình giải quyết, nếu có vướng mắc hoặc cần hỗ trợ, đề nghị công ty liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập để được hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết vụ việc", Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu rõ.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Djibouti về hỗ trợ trao đổi, làm việc với cơ quan liên quan để bảo vệ quyền, lợi ích của thủy thủ Việt Nam.
Đồng thời, cơ quan này đề nghị đại sứ quán hỗ trợ Công ty HP Marine, đối tác và chủ tàu hoàn tất các thủ tục, hồ sơ đưa thi hài của thuyền viên xấu số và ba người còn lại về nước.
Theo HÀ QUÂN (TTO)