Viettel, VNPT, MobiFone chi ngàn tỉ tham gia cuộc đua 5G
Riêng chi phí để sở hữu băng tần 5G đã lên đến hàng ngàn tỉ đồng khi mức giá khởi điểm một khối băng tần lên đến 2.000 – 4.000 tỉ đồng
Theo kế hoạch, chiều nay (8.3), việc đấu giá tần số 5G sẽ được thực hiện bởi Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 - Quốc gia với khối băng tần B1 có giá khởi điểm hơn 3.983 tỉ đồng.
Doanh nghiệp tham gia đấu giá khối băng tần này phải đặt trước số tiền 200 tỉ đồng và tiền hồ sơ tham gia đấu giá: 500.000 đồng/1 bộ.
Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G trong năm nay 2024
Sau đó, trong 2 ngày 13 và 19.3 sẽ diễn ra cuộc đấu giá 2 băng tần C3 và C2, mỗi băng tần có mức giá khởi điểm gần 2.000 tỉ đồng, doanh nghiệp tham gia phải đặt cọc số tiền 100 tỉ đồng.
Do chi phí đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn lâu nên cuộc đua 5G dường như chỉ dành cho các ông lớn trên thị trường mạng di động như: Viettel, VNPT, MobiFone.
Đại diện nhà mạng MobiFone cho biết sau thời gian thử nghiệm 5G tại nhiều địa bàn trên cả nước, bao gồm các thành phố lớn, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp... đã cung cấp những cơ sở dữ liệu ban đầu để nhà mạng đánh giá và xây dựng các phương án mở rộng mạng lưới trong tương lai. MobiFone hiện có gần 4 triệu thuê bao đang sử dụng các thiết bị có hỗ trợ 5G.
"MobiFone đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị, bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông như: tham gia đấu giá băng tần; đầu tư thiết bị phát sóng, vùng phủ sóng; xây dựng các chương trình, kịch bản kinh doanh, phát triển các sản phẩm tận dụng sức mạnh của 5G"- đại diện MobiFone cho biết.
Thách thức của Việt Nam là số người sử dụng những thiết bị cũ chỉ hỗ trợ công nghệ 3G, 4G còn khá lớn. Khi triển khai mạng 5G, người dùng sẽ phải thay đổi thiết bị của họ. Điều này khá tốn kém và có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng sử dụng của người dân.
Hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai tại các doanh nghiệp phần lớn cũng là công nghệ cũ. Để sẵn sàng cho công nghệ 5G, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hạ tầng công nghệ thông tin.
Dù vậy, với 5G, người dùng có thể sử dụng dịch vụ data với tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn mạng 4G.
Điều này sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho game và thực tế ảo; tăng chất lượng các hội nghị trực tuyến; phát triển chăm sóc y tế từ xa; duyệt website với tốc độ siêu nhanh và xuất hiện các dịch vụ mới nhờ 5G.
(Theo NLĐ)