Chi cục Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn: Hiệu quả từ các giải pháp linh hoạt, sát thực tế
Chi cục Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn là đơn vị duy nhất của ngành Thi hành án dân sự tỉnh nhận được Cờ thi đua của UBND tỉnh trong năm 2023. Sâu sát tình hình, áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt giúp cho đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng.
Trong năm 2023, số việc thụ lý mới của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Quy Nhơn tăng gần 18% so với năm 2022, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, đơn vị đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, trong năm 2023 thi hành xong 2.106 việc, đạt 86,1% số việc có điều kiện thi hành (vượt 2,1% chỉ tiêu được Cục THADS tỉnh giao); thi hành xong hơn 223,6 tỷ đồng, đạt 54% số tiền có điều kiện thi hành (vượt 7,7%).
Chấp hành viên Chi cục THADS TP Quy Nhơn phối hợp kê biên tài sản, xử lý tàu cá thế chấp tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Ảnh: ĐVCC
Theo Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Quy Nhơn Nguyễn Trọng Tài, cùng với việc chú trọng công tác chuyên môn, Chi cục còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác, góp phần không nhỏ cho thành tích chung của đơn vị. Cụ thể như tăng cường công tác phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành có liên quan; phối hợp với trại giam, trại tạm giam để THA đối với các đối tượng đang chấp hành hình phạt tù. Phối hợp với ngân hàng, các tổ chức tín dụng, phòng TN&MT để xác minh tài sản, tài khoản của người phải THA. Chủ động tham mưu cho Thành ủy, nhất là Ban Chỉ đạo THA để chỉ đạo toàn diện công tác THADS trên địa bàn, kịp thời tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức THA.
Đáng chú ý, thời gian qua, Chi cục THADS TP Quy Nhơn đã thực hiện tốt công tác cưỡng chế kê biên, xử lý tàu cá thế chấp tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản.
Cụ thể, Chi cục chỉ đạo chấp hành viên vận động, động viên, thuyết phục đương sự, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tự nguyện THA, hoặc tự nguyện đề nghị chấp hành viên sớm kê biên và xử lý tài sản là tàu cá đang thế chấp để THA, không có thắc mắc khiếu nại, chống đối, cản trở việc xử lý tài sản thế chấp các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Bên cạnh đó, chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ bản án hoặc quyết định của tòa án. Theo đó, phải xem xét kỹ đến số tiền phải THA, nghĩa vụ đảm bảo do chính cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm trả nợ hay do bên thứ ba trả nợ…
“Chấp hành viên phải vận dụng linh hoạt phương châm “lạt mềm thì buộc chặt”. Một mặt phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục để đảm bảo cho việc tự nguyện THA như xem xét, nghiên cứu hồ sơ, bản án, quyết định THA, tống đạt quyết định THA, ấn định thời hạn tự nguyện THA theo quy định pháp luật; mời các bên đương sự đến làm việc, lập biên bản về việc THA, xác minh điều kiện THA của người phải THA… Mặt khác, tiến hành giáo dục, thuyết phục các bên đương sự trên cơ sở quy định pháp luật, ghi nhận sự thỏa thuận của đương sự nếu phù hợp với quy định pháp luật”, ông Tài phân tích.
Nhờ nhiều biện pháp hiệu quả, trong năm 2022 và 2023, các chấp hành viên của Chi cục THADS TP Quy Nhơn áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên nhiều trường hợp liên quan đến tàu cá thế chấp tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; đã xử lý tài sản kê biên thành công, góp phần vào việc giải quyết án tồn đọng của đơn vị.
MAI LÂM