Em là vợ lính…
Truyện ngắn của BÙI QUANG DŨNG
Hoa là vợ lính ngót nghét cũng đã mười ba năm. Cũng là ngần ấy thời gian thường xuyên phải sống cảnh vợ chồng ngâu. Mỗi lần Tuân về phép anh lại thấy trên tường dấu chiều cao của con đã tăng vài vạch. Con đang tuổi ăn tuổi lớn, cái áo lần trước bố về mua giờ mặc đã thấy ngắn. Lứa cá giống thả dưới ao vào lần về phép trước cũng đã thu hoạch được. Có khi anh về tóc chị đã dài, vết bỏng ở tay đã lành sẹo, một cơn buồn khủng khiếp nào đó đã kịp đi qua. Đã nhiều lần anh nói sẽ xây nhà gần đơn vị rồi đón mấy mẹ con, bà cháu lên ở cùng. Nhưng chị là cô giáo, việc chuyển công tác đâu phải chuyện dễ dàng. Mẹ chồng chị cũng không muốn lúc về già lại phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, quê kiểng, mộ phần ông bà tổ tiên. Hơn nữa bố mẹ đẻ cũng đã tuổi cao sức yếu, chị ở lại đây còn qua lại thăm nom, đồng quà tấm bánh. Chuyển đi xa thì biết được mấy lần cầm tay bố mẹ, chuối chín cây biết rụng lúc nào. Nên chị động viên chồng cứ yên tâm công tác, mọi việc ở nhà đã có chị chăm lo.
***
Hàng ngày vừa lên lớp, vừa chăm sóc bố mẹ già, nuôi nấng các con vậy mà chị vẫn dành thời gian cho công tác của hội phụ nữ địa phương. Nhìn chị sải bước, xăng xái đi, ai cũng tấm tắc “vợ lính có khác”. Hoa chỉ cười, đâu ai biết chị cũng có lúc thấy cô đơn, mệt mỏi khi không có chồng kề bên chung vai gánh vác. Tuân đi xa, việc họ hàng, dòng họ đành giao cho chị. Làm dâu phải thu vén tứ bề đâu phải dễ. Nhưng chị cứ nhìn các con lớn lên mà cố gắng, vì tình yêu của anh mà vun vén chu toàn.
Hoa thường dậy vào năm giờ sáng, thói quen bao năm nay vẫn vậy. Chị đặt một ấm nước rồi trải thảm tập yoga. Lửa liu riu cháy, khi nào ấm nước sôi thì cũng là lúc chị kết thúc bài tập của mình. Đây là khoảng thời gian ít ỏi trong ngày chị được thong thả sống cho mình. Đọc một vài trang sách, nghe một bản nhạc không lời nào đó trước khi vào bếp nấu bữa sáng cho cả gia đình. Bây giờ đang là mùa hè, chị nghỉ dạy lại quay ra tập trung cho vụ quay mật ong và thu hoạch hoa trái trong vườn. Nhãn đã bắt đầu ngọt nước, vài người mua buôn chào giá rẻ quá nên chị tính hái bán dần. Nhà nằm trên trục đường chính xuyên thị xã, hàng ngày công nhân trong khu công nghiệp qua lại rất đông, bán hàng gì cũng dễ. Chỉ cần kê cái bàn trước nhà là thành quán. Vài thúng nhãn, mấy lít mật ong rôm rả chuyện trò bán mua. Ai cũng khen chị có duyên buôn bán, bày ra bao nhiêu cũng hết. Tuân gọi về lúc nào cũng thấy vợ bận rộn thì thương. Anh bảo:
- Sao em không gọi người bán buôn cho đỡ mệt. Nhà đã bao nhiêu việc lặt vặt, được nghỉ mấy tháng hè lúc rảnh rỗi không tranh thủ nghỉ ngơi còn buôn bán làm gì cho khổ.
- Bán hàng cũng vui lắm anh ạ, gặp người này người kia. Em còn tính mua thêm ít rau quả về bán, cùng một công mà. Kiếm đồng ra đồng vào chi tiêu hàng ngày. Lương của anh để dành còn lúc ốm lúc đau. Các con đang tuổi lớn, bố mẹ hai bên thì đều đã già rồi.
- Mẹ dạo này yếu phải không em? Anh gọi về lần nào cũng thấy bà ho quá.
- Mấy hôm nay thời tiết mưa nắng thất thường anh ạ. Anh cứ yên tâm, mẹ vẫn ăn ngủ bình thường.
Chị nói vậy để anh yên tâm công tác, chứ thật tình dạo này sức khỏe mẹ chồng yếu hẳn. Cụ đã ngoài chín mươi, chẳng có bệnh tật gì nhưng cứ đuối dần đi. Mấy hôm nay cụ không ra vườn, chỉ ngồi dưới gốc cây nhãn già nhìn chó mèo chạy quanh quẩn trong sân. Thỉnh thoảng bà nhìn quanh ới gọi con dâu. Gọi chỉ để nghe tiếng thưa, yên tâm cháu con vẫn ở gần. Bà hay lẩn thẩn nghĩ về chồng, thấy bóng ông đâu đó ở góc sân, giếng nước. Thỉnh thoảng Hoa thấy mẹ chồng ngồi nói chuyện một mình, kéo vạt áo lên lau nước mắt. Ngó theo những vệt nhìn mờ ảo của bà, chị thấy bố chồng hiện ra sinh động như mọi thứ đang diễn ra ngay trước mắt. Ông đang ngồi tết chổi bằng rơm nếp, bên cạnh con mèo già dùng những chiếc vuốt cùn nghịch ngợm. Nó hết vờn chổi rơm lại cào vào lưng áo bạc màu của ông. Con trai chị chơi đâu đó ngoài vườn vừa mới chạy về mặt mũi còn lấm lem bùn đất, miệng gọi: “Ông ơi”. Nắng chiều lọt qua giàn hoa thiên lý rơi xuống vai hai ông cháu lung linh móm mém miệng cười. Rồi chị nghe tiếng bố chồng gọi “Hoa ơi” đâu đó ngoài vườn. Chỗ mấy luống rau dền đỏ, rau khoai lang, rau mồng tơi tua tủa ngọn. “Ăn không hết thì hái cho hàng xóm con à. Mùa hè nóng thế này không gì bằng bát canh ngon”. Thoáng cái đã thấy bố đang cất vó bên bờ ao “Tôm này ngon, rang lên cho thằng Tũn”. Thế rồi chị chỉ còn nhìn thấy nụ cười lúc ông nằm nhắm mắt xuôi tay trên chiếc chõng tre kê ngoài gốc nhãn. Nhẹ nhàng như một giấc ngủ trưa, chim hót trên tán cây và lá rụng về nguồn.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Hoa về nhà chồng làm con chứ không phải làm dâu. Bố mẹ chồng giao cho căn nhà, nói “tùy con thu vén”. Chưa một lần nặng lời. Chưa một tiếng thở than. Lúc đó lương chồng còn thấp, chị thì chưa biết làm thêm việc gì nên cuộc sống cũng chật vật. Nhưng trong mái nhà này vẫn tràn ngập tình thương bên những bữa cơm canh đạm bạc và nắng mưa dãi dầu năm tháng. Bố chồng mất cũng đã bảy năm. Cây mít nghệ ông trồng vào buổi sáng cuối cùng thế mà giờ cũng đã được ba bốn mùa quả. Hoa biết là bà đang nhớ ông nhiều lắm. Có khi ngó đám mây bay qua chắc là bà cũng nghĩ ông đang ghé thăm nhà.
- Con à. Dạo này mẹ hay thấy bố về. Chắc là ông ấy thấy cô đơn nên muốn đón mẹ đi.
- Con nghĩ bố sẽ chẳng bao giờ cô đơn đâu vì có mẹ luôn nghĩ về bố mỗi ngày. Ở một thế giới khác, hẳn là bố cũng mong muốn mẹ ở lâu với con cháu.
- Nhưng mẹ nhớ bố con quá...
Bà nói và bật khóc. Hoa ôm lấy mẹ chồng, thương cái nấc khan, bờ vai gầy nhô xương và những sợi tóc màu mây phất phơ trước gió. Như linh cảm đó là những lời từ biệt của bà nên Hoa điện chồng về. Đêm hôm ấy bà chờ cho bằng được con trai về rồi mới chịu lên giường nằm ngủ. Không có cơn đau nào, cũng không một lời dặn dò con cháu. Ông đã đón bà đi nhẹ nhàng, thanh thản. Trên chiếc gối bà nằm vương lại vài sợi tóc. Ông từng là bộ đội nên bà cũng từng phải xa chồng những tháng năm xuân sắc. Chỉ đến khi ông nghỉ hưu thì mới có thời gian quanh quẩn bên bà. Lúc về già ông không bao giờ chịu xa bà. Bà đi chợ ông đòi đèo đi. Bà về thăm quê ông cũng túi xách nách mang đưa bà đi bằng được. Trong quân đội ông là thủ trưởng, quân lệnh như sơn. Nhưng khi ở gần bà ông lúc nào cũng yêu thương nhường nhịn. Bà nói gì ông cũng thấy đúng. Bà có càm ràm thì ông cũng chỉ cười. Hoa chỉ mong sau này hai vợ chồng chị cũng sống được với nhau như thế. Chẳng cần học đâu xa, chỉ cứ nhìn bố mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.
- Lúc còn sống bố từng nói cả đời mẹ đã phải đợi bố nhiều. Nên chuyến đi cuối cùng bố sẽ đi trước dọn đường rồi đón mẹ sau. Anh buồn vì mất mẹ nhưng anh cũng vui vì cuối cùng bố mẹ cũng sum họp với nhau, không gì có thể chia lìa được nữa.
- Em ước gì sau này khi đã tuổi cao sức yếu chúng mình cũng sẽ ra đi thanh thản như bố mẹ đã từng, trong một ngày nắng đẹp.
- Cảm ơn em bao năm qua đã thay anh chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Từng bữa cơm em chăm, từng viên thuốc em lo đều ân cần chu đáo. Anh tin rằng bố mẹ đã rất vui khi có cô con dâu như em bên cạnh.
Hoa nép vào ngực chồng, muốn nói một vài câu gì đó nhưng thôi. Chị thấy nhớ mấy tiếng ho đêm, nhớ mùi dầu gió mẹ hay xoa, nhớ tiếng dép loẹt quẹt vào ra của người già khó ngủ. Nhiều khi Hoa thấy tiếng mẹ chồng vẫn văng vẳng bên tai “Con đi dạy nhớ mang theo áo mưa. Đêm qua mẹ nghe dự báo thời tiết thấy bảo trời mưa đấy”. “Hoa à, mấy hôm nay chân mẹ hơi nhức. Chắc là lại sắp có gió mùa”. “À con ơi, nhắc tụi nhỏ chớ đi tắm sông. Học xong là về nhà ngay. Nghe nói ở xã bên mới có người chết đuối”.
Ngay cả lúc chìm vào giấc ngủ Hoa vẫn thấy những hình ảnh thân thuộc lấp lánh trong ký ức của mình. Mai Tuân lại lên đường, nhà vắng tiếng người, vắng lời thân thuộc. Đêm nay cả hai vợ chồng đều khó ngủ, ngoài vườn có tiếng chim non giật mình kêu thảng thốt. Hoa quay sang hỏi chồng chuyện đơn vị khi đồng hồ vạn niên ở góc nhà hiện ba giờ sáng. Lần này về anh còn chưa kịp bắc cho chị cái giàn gỗ để trồng mướp, trồng bầu. Cột dây phơi quần áo qua nhiều đợt gió đã bắt đầu lung lay, anh chưa kịp chôn lại cho chặt. Hôm trước xe tải đâm đổ cả đoạn rào dài cũng chưa kịp gọi người xây lại. Lo xong chuyện hậu sự cho mẹ là anh phải về đơn vị. Chị ở nhà lo việc khói hương thờ cúng. Đài báo sắp có bão đổ qua, anh đi mà lòng bồn chồn chẳng yên. Dù biết chị đã từng đi qua nhiều mùa bão mà không có anh bên cạnh. Chị cười bảo “Đừng lo mà. Em là vợ lính…”