Mẹ & bữa cơm gia đình
Tản văn của HỒ THU
Tôi nhớ, ngày tôi còn nhỏ, ba tôi hay bảo, bữa cơm đúng nghĩa phải đông đủ con cái và ba mẹ trong gia đình; cực chẳng đã thì mới vắng, người vắng mặt là người thiệt thòi. Tôi nghe lời ba, dạ dạ vâng vâng thế nhưng phải đến khi lớn hẳn, có gia đình riêng, mới thấm thía lời ba và càng thấy quý giá biết nhường nào bữa cơm gia đình - không gian nuôi dưỡng và kết nối tình cảm gia đình. Và đặc biệt dần vỡ vạc ra cái lý “người vắng mặt là người thiệt thòi”. Thật đơn giản, cứ mỗi một lần vắng lại mất đi một cơ hội được yêu thương!
Mỗi một đời người, từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, sự cảm nhận về bữa cơm gia đình của người này lại khác người kia, trong mỗi người tại từng thời khắc cũng lại khác nhau. Cái giống nhau là càng lúc càng thêm quý bữa cơm tưởng rất đỗi bình thường mà hóa ra vô cùng đặc biệt. Gia đình là nơi khởi nguồn, hình thành nhân cách mỗi người. Nơi ấy ai cũng được quan tâm, che chở từ vòng tay của ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, vợ chồng - nói gọn gàng hơn là được yêu thương - thì bữa cơm gia đình sẽ là “nhân chứng” cho yêu thương ấy. Riêng tôi, tôi có thêm một cảm nhận “không cơm nào ngon hơn cơm mẹ nấu”. Quá nửa đời người, nhớ lại càng thấy rưng rưng nỗi niềm...
Bữa cơm ngày ấy, thời bao cấp khó khăn đạm bạc làm sao. Nhưng bữa cơm mẹ nấu là bữa cơm của tình yêu thương, của những chắt chiu, san sẻ mà mẹ dành dụm để nuôi anh chị em tôi nên người. Nhớ lại, cái thời gạo “cõng” các thứ mì, bắp, khoai... thì cơm mới đủ đầy cái bụng. Ký ức về bữa cơm gia đình trong tôi thường gắn với hình ảnh mẹ lui cui với bếp lửa, với ngọn đèn dầu leo lét mỗi sớm tối thường nhật, với làn khói xám từ mái bếp mỗi chiều. Thức ăn cũng đơn giản, buổi sáng mẹ đi chợ, bán những mớ rau trái trong vườn để mua về tí thịt, vài ba con cá sông, cá biển... làm thức ăn cùng với rau trái trồng trong vườn nhà. Mãi đến giờ những hình ảnh ấy vẫn vẹn nguyên ấm áp ký ức.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN PHAN CHÁNH
Mẹ tôi là người thuần tay, khéo tính nên mùa nào thức nấy. Nào là canh cá diếc rau răm, canh rau tập tàng, canh bầu... ngày hè; là muối mè, muối đậu phụng, cá kho khô... ngày đông. Cứ thế vần xoay theo mùa, nhưng sao không ngán, mà ngon chi lạ. Sự háo hức hít hà của mấy chị em tôi hồi nhỏ khi mẹ bưng mâm cơm ra, cả ba, mẹ và các con đều vui lắm... Bữa cơm đạm bạc nhưng đông đủ con cái, chuyện trò rôm rả, ba mẹ hỏi han và khuyên bảo dặn dò chị em tôi đủ thứ chuyện về học hành, thi cử, hay bày biện việc này việc kia ngoài giờ học…
Vui nhất vẫn là bữa cơm tối, cả nhà xúm xít nhau quanh cây đèn dầu. Những bữa cơm gia đình ngày ấy lúc nào cũng thật ngon, thật vui, cho dù mâm cơm nhà nhiều khi chỉ có dĩa rau lang hay rau muống, bát nước luộc rau, mắm dưa, hay quả trứng luộc dầm tan với hơn nửa chén nước mắm cả nhà cùng ăn...
Bây giờ, khi mà cái thời “lèn cho chặt ruột” đã qua nhường lại cho cái sự “ăn ngon”, có anh bạn đồng nghiệp nói vui, rằng mỗi sáng phải loay hoay vòng xe quanh phố tìm món ăn sáng cho đỡ ngán. Thế mới biết, ăn với ai, ăn cái gì, ăn bằng mắt, ăn bằng tâm trạng... không hề đơn giản, phải thỏa mãn đồng thời nhiều điều kiện thì mới có bữa cơm ngon. Nay ta đủ các loại cơm: Cơm văn phòng, cơm siêu thị, cơm hàng, cơm quán... và biết bao tiệc tùng để rồi cuối cùng mọi thứ cứ trôi tuột qua, không mấy điều đọng lại trong ký ức. Chính vì thế những bữa cơm gia đình lại đằm sâu trong ngăn kéo cảm xúc. Cuộc sống càng bộn bề, gấp gáp, căng thẳng, ngôi nhà và bữa cơm gia đình lại càng thêm quan trọng, khi ở đó ai cũng có thể gửi gắm yêu thương và nhận được yêu thương từ các thành viên còn lại.
Với đại gia đình tôi, mỗi lần đến ngày giỗ mẹ và giỗ ba là sự trở về thật sự thiêng liêng nhất của chị em tôi. Mâm cơm cúng bao giờ cũng tự tay chị em tôi làm, không quên các món ăn mà mẹ đã nấu cho cả nhà ăn và nuôi nấng chúng tôi nên người. Những câu chuyện, kỷ niệm thời ngày ấy cứ được nhắc lại, như có ba, có mẹ luôn ở bên. Nguyên vẹn những ngọt ngào của tình thương yêu ba mẹ dành cho con cái. Những ngày giỗ đã trở thành bữa cơm gia đình lớn, trọng đại; ngoài những gì đã quen thuộc với nhiều người, với anh chị em tôi, là nơi những câu chuyện xưa cũ đã kể ra cả trăm lần tiếp tục được kể lại. Bọn trẻ có thể mỉm cười nhắc trước, kể trước, nhắc chừng những chi tiết ai đó lỡ bỏ sót…, chúng có thể làu bàu “kể hoài, năm nào, lần giỗ nào cũng kể” nhưng rồi thật kỳ diệu, chính chúng lại nhắc nhớ những kỷ niệm với ông với bà của riêng chúng. Và rồi người lớn cũng có cách mỉm cười của riêng mình, bữa cơm lớn ngày càng thêm đầy đặn. Vui đấy chứ!