Bình yên bên những ngôi nhà cổ
Tại thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) vẫn còn nhiều ngôi nhà lá mái với đặc trưng trong kiến trúc truyền thống được gìn giữ khá tốt. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở làng rau Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa), với gần chục ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm.
Đến các ngôi nhà cổ này, vẻ đẹp trước tiên có thể thấy từ đầu ngõ là nhà có không gian xanh bao quanh với nhiều cây, hoa, hay bờ rào cây xanh được cắt tỉa, chăm chút. Còn vẻ đẹp bền vững hơn ẩn sâu bên trong ngôi nhà là ý thức gìn giữ, tiếp nối truyền thống văn hóa gia đình, quê hương.
Anh Trần Đắc Khái (ở khối Thuận Nghĩa) cho biết: “Ba tôi năm nay đã gần 90 tuổi vẫn thích sống trong nhà lá mái đã truyền qua nhiều đời trong gia đình. Ông dặn dò con cháu phải cố gắng giữ gìn kỹ, dù qua các lần tu sửa kết cấu bên trong ngôi nhà vẫn cơ bản được giữ theo đúng truyền thống. Đây là niềm tự hào của gia đình chúng tôi”.
Lối vào ngôi nhà từ đường của gia đình anh Trần Đắc Khái. Ảnh: H.THU
Xa quê hương vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp và sinh sống được 60 năm, sau khi nghỉ hưu, ông Trần Thiếu Bảo (77 tuổi) dành nhiều thời gian trở về ngôi nhà từ đường là nhà lá mái có tuổi đời hơn một thế kỷ ở khối Thuận Nghĩa để góp phần gìn giữ, tu sửa. Trong ngôi nhà này còn có những bộ bàn ghế cổ, những vật dụng của cha mẹ ông từ cách đây gần cả trăm năm.
Ông Bảo bộc bạch: “Không chỉ tôi mà chị gái ở TP Hồ Chí Minh cũng hay về nhà từ đường. Mỗi lần về đều ở nhiều ngày, tận hưởng sự bình yên, thân thuộc, gợi nhớ ký ức tuổi thơ. Tôi sáng tác văn thơ, nên không gian nhà cổ còn góp phần bồi đắp tâm hồn, mang lại nhiều cảm xúc…”.
Ông Trần Thiếu Bảo thỉnh thoảng lại từ TP Hồ Chí Minh về ở ngôi nhà từ đường có tuổi đời hơn một thế kỷ. Ảnh: H.THU
Từ đường Quách tộc (gốc Hoa) với tên gọi Tịnh Nương Đường được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ, hiện là ngôi nhà lá mái có quy mô lớn nhất còn được gìn giữ ở khối Thuận Nghĩa, được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao khi đến nghiên cứu.
Tịnh Nương Đường cất hình chữ “Môn” (Hán tự) với hai lớp mái theo lối cổ, tổng diện tích xây dựng khoảng 500 m2. Trong đó, gian nhà chính quay mặt về hướng Nam gồm 5 gian 2 chái là nơi thờ cúng tổ tiên, với nhiều chi tiết chạm khắc tỉ mỉ, công phu.
Không gian xanh ở từ đường Quách tộc với tên gọi Tịnh Nương Đường. Ảnh: H.THU
Tại khối Phú Xuân, từ đường của gia đình ông Bùi Đắc Khả (73 tuổi) được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, bởi còn giữ nguyên mặt bằng tổng thể của ngôi nhà lá mái (hiện rất hiếm còn ở các tỉnh, thành miền Trung) được xây dựng từ năm 1889, cất theo hình chữ “Đinh” (Hán tự), gồm có 3 gian 2 chái.
Trong ngôi nhà này, ngoài gian chính đậm màu cổ kính, trang nghiêm là nơi thờ cúng, các gian còn lại được sử dụng làm nơi tiếp khách, học tập, phòng ngủ của gia đình ông Khả gồm 3 thế hệ (9 người) đang sinh sống.
Từ đường của gia đình ông Bùi Đắc Khả vẫn còn giữ nguyên mặt bằng tổng thể của ngôi nhà lá mái. Ảnh: H.THU
Ông Khả chia sẻ: “Gia đình chúng tôi luôn cố gắng giữ nguyên vẹn kiến trúc truyền thống, dù mỗi lần chống xuống cấp cũng tốn nhiều thời gian, chi phí. Di sản của ông bà để lại, con cháu chúng tôi luôn trân trọng và cảm thấy hạnh phúc khi vẫn được sống trong căn nhà cổ!”.
HOÀI THU