Thiện nguyện là cách tôi cảm ơn cuộc đời
Từng trải qua tuổi thơ cơ cực, anh Nguyễn Thành Luân (SN 1985, ở xã Nhơn Hạnh, TX An Nhơn) dễ dàng cảm thông với những mảnh đời bất hạnh. Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh ở Bình Định, trước sự hoảng loạn của nhiều người, anh Luân quyết định dốc tiền túi để hỗ trợ bệnh nhân, người khó khăn, người sống trong khu cách ly và những đồng hương trở về từ các tỉnh, thành phía Nam. Lúc này, anh còn tự tay gói bánh chưng để tặng cho mọi người. Khi dịch Covid-19 dần được đẩy lùi, anh Luân cố gắng hỗ trợ những người yếu thế.
Theo anh Luân, ngày bé, gia đình anh rất khó khăn, mẹ một mình nuôi anh khôn lớn. Nhiều lúc anh phải vừa học vừa bán vé số để phụ mẹ. Dù vậy, có giai đoạn anh vẫn phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Lúc này, có cô giáo đã đến nhà động viên học trò tiếp tục đến lớp và sẵn sàng lo học phí cho anh.
“Trong lúc khó khăn, tôi được nhiều cô giáo, thầy giáo động viên, giúp đỡ. Bây giờ có điều kiện hơn, tôi tâm niệm phải giúp đỡ được thật nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là cách tôi cảm ơn cuộc đời và những người đã từng giúp đỡ mình”, anh Luân chia sẻ.
Anh Nguyễn Thành Luân và các em nhỏ trong chuyến đi thiện nguyện ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn). Ảnh: NVCC
Từ tháng 4 - 12.2023, ngoài tiền túi, anh Luân còn vận động được hơn 700 triệu đồng từ các nhà hảo tâm để giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh như trẻ mồ côi, người tai nạn không có thân nhân, bệnh nhân nghèo, người già neo đơn... Để các nhà hảo tâm tin tưởng, anh lập tài khoản riêng; sau khi nhận tiền, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, anh luôn ghi lại hình ảnh và cung cấp sao kê chi tiết.
Anh Luân cho biết: “Tôi biết được những trường hợp cần giúp đỡ qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Ngoài ra, nhiều người còn tìm đến tôi để mong được giúp đỡ vì đã không thể nào xoay xở được nữa. Trước khi giúp đỡ, tôi xác minh kỹ thông tin để đảm bảo đúng người đúng việc”.
Tuy nhiên, theo anh Luân, hoạt động xác minh phải được thực hiện nhanh chóng vì nếu chậm một chút, có khi không còn cơ hội để giúp người ta nữa. “Tôi nhớ có lần tôi đang gãy chân nhưng có trường hợp cần giúp khẩn cấp, đến nỗi tôi phải quên đi chiếc chân đang bị đau. Trước ranh giới giữa sự sống và cái chết của người khác, chiếc chân đau đã không còn là vấn đề lớn”, anh Luân kể.
Không chỉ giúp đỡ người khó khăn, hằng năm anh Luân còn tặng học bổng cho học sinh vượt khó học tốt vào dịp khai giảng và bế giảng năm học. Ngoài ra, anh đã đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học sau khi qua đời.
Ông Trần Đình Ký, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, chia sẻ: “Luân có trái tim giàu tình yêu thương. Sự uy tín và tấm lòng của anh được nhiều người biết đến, các nhà hảo tâm rất tin tưởng. Nhờ đó, nhiều người khó khăn đã được giúp đỡ qua cơn hoạn nạn”.
THẢO YÊN