Hưởng ứng tuần lễ glôcôm thế giới (10 - 16.3): Bệnh glôcôm - kẻ đánh cắp thị giác thầm lặng
Glôcôm được coi là một nhóm bệnh có nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là khi toàn phát thì nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt gây lõm và teo thị thần kinh, dẫn tới tổn hại thị trường gây mù lòa không hồi phục.
Bệnh glôcôm thường được phân thành 2 loại là glôcôm góc mở và glôcôm góc đóng. Một số triệu chứng có thể nhận biết sớm của bệnh glôcôm:
Nhức mắt, nặng mắt thoáng qua; mờ mắt thoáng qua: Ở giai đoạn sớm khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe trong một thời gian ngắn. Sau đó, khi áp lực mắt giảm xuống, bệnh nhân nhìn rõ trở lại, triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhưng mờ mắt thoáng qua xảy ra cùng lúc với nhức mắt là dấu hiệu nghi ngờ rõ nhất của bệnh glôcôm.
Nhìn thấy hào quang: Khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian.
Nhức đầu: Nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh trong đó cao huyết áp là bệnh thường hay nghĩ đến hơn là bệnh glôcôm. Nhìn đèn có quầng xanh đỏ, nhìn có đom đóm bay trước mắt; thích nghi bóng tối kém, khó nhìn theo vật di động; nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần; mất dần tầm nhìn ngoại vi (người bệnh có cảm giác như nhìn qua đường hầm); mắt sưng đỏ, khi lấy tay di vào phần mí mắt trên thấy cứng như hòn bi; nôn hoặc buồn nôn.
Thường thì trong giai đoạn đầu, các triệu chứng xuất hiện ít và khó phát hiện. Theo thời gian bệnh có thể tiến triển nặng, gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm là người trên 40 tuổi; người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp; gia đình có người cùng huyết thống mắc bệnh glôcôm; viễn thị; cận thị nặng; dùng thuốc corticoid lâu dài; tiền sử chấn thương mắt.
Đối với những người có nguy cơ cao, việc khám mắt hằng năm là cần thiết để phát hiện sớm bệnh nhân glôcôm. Bệnh nhân nên thường xuyên đi khám mắt và đo nhãn áp định kỳ theo thời gian dự kiến như từ 2 - 4 năm đối với người dưới 40 tuổi, từ 1 - 3 năm đối với người 40 - 50 tuổi, từ 1 - 2 năm đối với người 55 - 64 tuổi, từ 6 - 12 tháng đối với người trên 65 tuổi.
Theo nhiều nghiên cứu, có nhiều tác nhân ảnh hưởng đến quá trình tiến triển của bệnh glôcôm, tuy nhiên nhãn áp là tác nhân duy nhất có thể can thiệp và điều chỉnh để làm chậm quá trình tiến triển của glôcôm. Vì thế mọi phương pháp điều trị đều nhằm vào việc duy trì nhãn áp ổn định. Tuy nhiên, phụ thuộc vào từng bệnh nhân, từng giai đoạn khác nhau sẽ có hướng điều trị khác nhau: Nội khoa, laser, phẫu thuật. Vì vậy, bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được hướng dẫn và điều trị hiệu quả.
Những tổn thương của bệnh glôcôm là không hồi phục. Do đó, chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng giúp ngăn ngừa tiến triển xấu của bệnh và bảo vệ thị lực.
BSCKII NGUYỄN THANH TRIẾT (Bệnh viện Mắt Bình Định)