Tuy Phước nỗ lực mở rộng đối tượng BHYT tự nguyện
Theo đánh giá của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, Tuy Phước là một trong những địa phương có số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện tăng ấn tượng. Giám đốc BHXH huyện Tuy Phước Trần Văn Thái cho rằng, để có kết quả đó, công tác vận động đã thật sự được chú trọng.
Việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
- Trong ảnh: Khám bệnh tại TTYT huyện Tuy Phước.
Sáng 28.8, 100 công nhân của Công ty TNHH may Hoàng Vinh (thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng) vẫn làm việc như mọi ngày. Nhưng giữa buổi làm, họ dừng tay để được nghe tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Từ hệ thống loa nội bộ của Công ty, ông Trần Văn Thái trực tiếp phân tích quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động khi tham gia các loại hình bảo hiểm, đặc biệt là những lợi ích khi khám chữa bệnh có thẻ BHYT.
Theo ông Lê Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH may Hoàng Vinh, hơn 3 năm qua, do tình hình kinh doanh khó khăn, đơn hàng không ổn định nên Công ty chỉ ký hợp đồng ngắn hạn (3 tháng) với người lao động. Từ năm nay, Công ty chính thức ký hợp đồng dài hạn cho tất cả công nhân. “Với mong muốn công nhân được gắn bó lâu dài với Công ty, chúng tôi mời BHXH huyện đến tuyên truyền, sau đó cho công nhân tham gia đủ các loại hình bảo hiểm”, ông Vinh cho biết.
Ông Trần Văn Thái cho hay, công tác tuyên truyền, vận động ở các doanh nghiệp là một trong những hoạt động thường xuyên của BHXH huyện Tuy Phước. Đồng thời, hằng năm, BHXH huyện đều phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm, an toàn lao động… ở các công ty, xí nghiệp trên địa bàn để chấn chỉnh các sai phạm.
Bên cạnh công nhân, công tác phát triển BHYT tự nguyện cũng hướng đến đối tượng hộ gia đình, đối tượng cận nghèo. “Đội ngũ đại lý BHXH đều do UBND các xã, thị trấn giới thiệu và bảo lãnh. Nếu đại lý hoạt động không hiệu quả, không phát triển được đối tượng mới thì sẽ cắt hợp đồng. UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm tìm kiếm, giới thiệu cán bộ thật sự nhiệt tình, tâm huyết để thay thế”, ông Thái thông tin.
Hầu hết đại lý BHXH là cán bộ phụ trách các hội đoàn thể của xã, họ hình thành đội ngũ cộng tác viên ở các thôn. Như chị Trần Thị Thu, đại lý BHXH ở xã Phước An, là cán bộ của Hội Phụ nữ xã. Chị Thu cho biết: “Tôi ký thỏa thuận với chi hội trưởng của 10 chi hội phụ nữ thôn để họ làm cộng tác viên. Chính sách BHYT được lồng ghép vào nội dung sinh hoạt phụ nữ hằng tháng. Nhờ gần gũi chị em nên công tác vận động cũng thuận lợi hơn. Với các đối tượng khó vận động, chúng tôi tìm đến tận nhà, nhỏ to thiệt hơn. Thẻ gần hết hạn, chúng tôi cũng báo chừng để họ biết mà gia hạn kịp thời”.
Trong công tác vận động mở rộng BHYT tự nguyện, việc đảm bảo quyền lợi của đối tượng rất quan trọng. BHXH huyện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện để tạo điều kiện cho người dân các vùng giáp ranh được chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo hướng thuận lợi nhất. “Ngoài ra, với các vùng khó khăn, thời gian thu phí BHYT cũng được linh động hơn. Các đối tượng quá khó khăn có thể nộp phí muộn vài ngày so với quy định”, ông Thái chia sẻ.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, số lượng đối tượng hộ gia đình, đối tượng cận nghèo tham gia BHYT ở Tuy Phước ngày càng tăng nhanh. Năm 2012, có 26.034 người thuộc nhóm này tham gia BHYT. Một năm sau, con số này đã tăng thêm 3.719 người. 7 tháng đầu năm 2014, đã có 20.122 người tham gia, tăng 2.764 người so với cùng kỳ năm 2013.
NGUYỄN VĂN TRANG