HIV/AIDS - hành vi nguy cơ và các biện pháp phòng chống
Đại dịch HIV/AIDS đã và đang trở thành mối đe dọa lớn đối với sự phát triển và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu. Tại Bình Định, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiễm HIV không chỉ còn khu trú ở khu vực đô thị mà đã lan rộng ra khu vực ít giao lưu như các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều đáng lưu ý là HIV/AIDS không chỉ xuất hiện trong đối tượng nguy cơ cao như mại dâm, ma túy mà còn lan nhanh chóng ra các cộng đồng dân cư bình thường như công nhân lao động, cán bộ viên chức, người làm nghề tự do.
Trên thực tế, mỗi cá nhân đều có khả năng đánh giá hành vi nguy cơ của bản thân và biết cách phòng tránh thông qua những kiến thức đúng về các đường lây truyền HIV/AIDS (đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con).
Tiêm chích ma túy, xăm hình chung kim mà không tiệt trùng là hành vi nguy cơ rất cao để lây nhiễm HIV. Do đó, nếu nguy cơ đến từ tiêm chích ma túy, cần hạn chế tối đa việc dùng chung kim tiêm, không dùng chung kim xỏ tai, kim xăm hình khi chưa được khử trùng đúng quy cách. Việc tiếp xúc với máu của người nhiễm thông qua vết thương hở cũng là nguy cơ lây nhiễm HIV. Hành vi này chủ yếu lưu ý trong nhóm người chăm sóc cho bệnh nhân HIV, cần đảm bảo an toàn khi chăm sóc cho người bệnh.
Trong khi đó, truyền máu có tỉ lệ lây nhiễm HIV lên đến gần 100% nếu chai máu bị nhiễm. Tuy nhiên, với quy định về an toàn khi truyền máu, các mẫu máu đều được kiểm tra kỹ thông qua xét nghiệm, do đó, khả năng lây nhiễm qua đường máu đã được khống chế và hầu như không xảy ra gần đây. Bên cạnh đó, HIV cũng có thể lây truyền trong một số trường hợp khác như: bị máu, dịch sinh học người nhiễm bắn vào mắt; sử dụng các dụng cụ y tế chưa qua tiệt trùng hay tai nạn nghề nghiệp (bị kim đâm) và dùng chung dụng cụ có dính máu như dao cạo râu, bàn chải đánh răng... Do vậy, cần khử trùng tốt các dụng cụ y tế, xử lý rác thải y tế đúng quy trình, dùng găng tay, quần áo bảo vệ, đeo kính khi tiếp xúc với máu và các sản phẩm từ máu và không nên sử dụng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân.
Quan hệ tình dục không an toàn cũng là một trong những hành vi nguy cơ dẫn đến lây truyền HIV. Trong khi giao hợp sẽ tạo ra nhiều vết xước nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được. HIV có nhiều trong tinh dịch và dịch âm đạo sẽ thông qua các vết xước mà xâm nhập vào cơ thể. Kiểu giao hợp gây nhiều xây xước (qua đường hậu môn) sẽ rất dễ bị nhiễm HIV. Trong khi quan hệ tình dục xâm nhập mà không có dụng cụ bảo vệ, người nhận tinh dịch dễ bị lây nhiễm HIV hơn. Tần suất lây HIV trong một lần giao hợp với người nhiễm HIV là khoảng 1%. Tuy nhiên, những người mắc bệnh qua đường tình dục như giang mai, lậu, hạ cam… có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn nhiều lần so với những người khác. Việc có nhiều bạn tình cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Những năm gần đây, nhiễm HIV qua con đường hoạt động tình dục có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay, ở Bình Định, số người nhiễm HIV do lây nhiễm qua đường máu (chủ yếu do tiêm chích ma túy) chỉ chiếm 40,6%, nhưng lây qua đường quan hệ tình dục chiếm đến 53,55%. Do vậy, chúng ta cần thực hiện lối sống lành mạnh, quan hệ chung thủy một vợ một chồng hoặc với một bạn tình duy nhất; thương thuyết sử dụng bao cao su đúng cách với bạn tình ngay từ đầu và trong suốt thời gian giao hợp để phòng lây nhiễm HIV và các bệnh qua đường tình dục.
BS HUỲNH THỊ NGỌC THU
(Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh)