Nhiều “rào cản” trong tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân
Gần như không thể tiếp cận với nhóm đối tượng ở độ tuổi kết hôn; dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân ở tuyến cơ sở chưa sẵn sàng; không quản lý được các trường hợp sau khi khám đã xác định có yếu tố nguy cơ… là những “rào cản” trong triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Được triển khai từ khoảng 10 năm trước, đến nay mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ mới được triển khai tại 33/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Khó tiếp cận thanh niên
Tại huyện Tuy Phước, mô hình được triển khai tại Phước Sơn, Phước Thuận, thị trấn Tuy Phước và Phước An. Năm 2012, huyện Tuy Phước tổ chức nhiều buổi tập huấn và tư vấn về sức khỏe sinh sản, nhưng cũng chỉ thực hiện được trong học sinh các trường THPT Tuy Phước 1, Tuy Phước 2 và Nguyễn Diêu. Trước đây huyện có thành lập câu lạc bộ thanh niên, nhưng không duy trì được đành phải đưa hết vào các trường THPT để hoạt động.
Dịch vụ y tế chưa sẵn có cũng là một “rào cản” lớn để triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.
- Trong ảnh: Khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên tại huyện Hoài Nhơn. Ảnh: LÊ VÂN
Khó tiếp cận với nhóm đối tượng ưu tiên của mô hình được xem là thực trạng chung của các địa phương có triển khai mô hình khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Bà Cáp Thị Thu Hà, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) cho biết: “Năm 2012, Trạm Y tế phường phối hợp Trường THCS Ghềnh Ráng tổ chức tuyên truyền cho học sinh khối lớp 8 và lớp 9 thu hút khá đông học sinh, ngược lại phối hợp với Đoàn phường tuyên truyền thì có rất ít thanh niên tham gia. Còn mở đợt khám sức khỏe tiền hôn nhân thì chỉ vài phụ huynh… đưa con gái đến khám”.
Trong số 4 phường được hỗ trợ mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân của TP Quy Nhơn, phường Quang Trung có nhiều hoạt động nhất. Năm 2012, trong 1 ngày Trạm Y tế phường tổ chức khám được 60 đối tượng. Nhưng, trước đó, Trạm phối hợp Tư pháp phường, lên kế hoạch tổ chức tuyên truyền cho những người vừa đăng ký kết hôn bằng cách lồng ghép vào buổi phát giấy chứng nhận kết hôn, cuối cùng bị “phá sản”.
“Cái khó đầu tiên là thanh niên ngại, ít chịu chia sẻ chuyện “khó nói”, chưa nói đến khám sức khỏe. Nguyên nhân là nhận thức của nhiều thanh niên về vấn đề này còn thấp. Buổi tuyên truyền cho đối tượng thanh niên nhưng người dự toàn là phụ nữ đã có gia đình(!). Sau khi tuyên truyền xong, chúng tôi đành phải gửi gắm: “Mong các cô, các dì dùng những kiến thức hôm nay để chỉ bảo cho các em, các cháu”, ông Nguyễn Văn Hưng, chuyên trách DS-KHHGĐ phường Quang Trung, chia sẻ.
Nguyễn Văn M., 25 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, cho biết: “Tâm lý người chuẩn bị lập gia đình không ai muốn “lạy ông tôi ở bụi này”, lỡ khám ra bệnh, có khi người yêu cũng sợ mà chạy mất”.
Kết hợp cung cấp dịch vụ
Các nhà chuyên môn, không thể chỉ nhìn bề ngoài là “đo” được sức khỏe sinh sản. Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không thấy được bằng mắt thường hoặc không có các dấu hiệu ác tính nên dễ bị bỏ qua. Nếu khám và biết trước bệnh sẽ hạn chế việc lây cho trẻ, để có những đứa con khỏe mạnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ truyền thông Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn, phân tích: “Bên cạnh nhận thức của thanh niên chưa “thông” cái lợi của mô hình thì ngay cơ sở y tế cũng không đáp ứng được hết yêu cầu của khám sức khỏe tiền hôn nhân. Thực tế, dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân ở các cơ sở y tế tuyến cơ sở chưa thật sự sẵn có, việc quản lý sau khám cũng mang tính “nửa vời””. Để vận động các bạn trẻ vượt được tâm lý e ngại để đi khám sức khỏe trước khi kết hôn đã rất khó. Ông Tuấn đề xuất cần phải có những phòng khám tiền hôn nhân riêng biệt mới có thể dẹp bỏ được tâm lý e ngại của bạn trẻ.
Năm 2012, 33 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã duy trì hoạt động của 68 câu lạc bộ tiền hôn nhân với trên 2.330 thành viên, tổ chức 24 buổi tư vấn cho 1.602 thanh niên và vị thành niên, 776 buổi tuyên truyền trên đài truyền thanh xã. Riêng hoạt động khám sức khỏe tiền hôn nhân đã thực hiện với 1.685 đối tượng vị thành niên và thanh niên, nhưng trong số này đối tượng cần ưu tiên là thanh niên chuẩn bị kết hôn lại rất ít.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm có khám sức khỏe tổng quát mà cụ thể là kiểm tra một số bệnh liên quan đến yếu tố kháng máu Rh và bệnh viêm gan B. Hiện nay, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân mới dừng ở khuyến khích, tuyên truyền vận động. Một cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho rằng, để triển khai hoạt động này hiệu quả cần thiết phải thay đổi nhận thức của thanh niên. Để điều chỉnh việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, cần luật hóa các nội dung chủ yếu quy định về quy trình, nội dung tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; nhu cầu và điều kiện, trách nhiệm của cơ sở dịch vụ y tế thực hiện hoạt động này. Bên cạnh đó là sự sẵn có của dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân.
MAI HOÀNG