Hiểm họa từ phun thuốc trừ sâu cây ớt trồng trong khu dân cư
Hàng trăm hộ dân thuộc các thôn Trung Bình, Trung Hậu, Trung Hiệp, Trung Thứ, Trung Thuận, Trung Tường (xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) hằng ngày đang phải sống chung với mùi thuốc trừ sâu nồng nặc từ việc trồng ớt trong vườn nhà.
Môi trường bị ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay, kể từ khi ớt trái xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc, người dân xã Mỹ Chánh Tây đã tận dụng diện tích đất trong vườn nhà để trồng. Để cây ớt phát triển tốt, năng suất cao, hằng tuần, người trồng ớt phải phun ít nhất 2 - 3 lần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhất là thuốc trừ sâu. Cứ mỗi lần người trồng ớt phun thuốc là hàng xóm “ăn không ngon, ngủ không yên”, phải tìm nơi khác “lánh nạn”. Tình trạng này khiến môi trường bị ô nhiễm nặng, nhiều người thường xuyên bị nhức đầu, ho, viêm họng và da nổi mẩn ngứa.
Người dân phun thuốc trừ sâu cho cây ớt trong vườn nhà tại thôn Trung Tường. Ảnh: M.T
Chị Trần Thị Hồng (ở thôn Trung Thứ) bức xúc nói: “Mỗi lần người trồng ớt phía sau nhà phun thuốc trừ sâu là cả gia đình tôi phải bịt khẩu trang, chốt tất cả các cửa lại để tránh mùi. Các cháu bé đang chơi ở ngoài sân cũng phải gọi vào nhà hoặc lánh đi nơi khác để tránh bị ảnh hưởng. Mùi thuốc trừ sâu rất ngột ngạt, khó thở, nhiều hôm phải bật quạt số mạnh để giảm đi mùi thuốc”.
Còn ông Lê Văn Huy (ở thôn Trung Tường) than thở: “Nhà tôi nằm sát khu vườn trồng ớt của hàng xóm nên bị ảnh hưởng nặng từ mùi thuốc trừ sâu và các chất hóa học, phân bón. Dù nhắc nhở hộ trồng ớt này nhiều lần nhưng không ăn thua, các hộ dân trong thôn chỉ còn cách tự hạn chế bằng việc đóng kín cửa, bịt khẩu trang cả lúc ngủ. Nhiều khi còn nôn ọe vì không chịu nổi mùi thuốc”.
Nguy cơ bị nhiễm độc
Trước tình trạng môi trường sống ở nông thôn bị ô nhiễm do thuốc trừ sâu, từ nhiều năm nay, người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng đã nhiều lần kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri và có đơn đề nghị can thiệp nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số trưởng thôn cho biết đã yêu cầu những người liên quan phải nghiên cứu chuyển đổi cây trồng trong vườn nhà để không ảnh hưởng đến chính mình và dân cư xung quanh, nhưng họ không chấp hành.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Tây, cho biết: UBND xã có nắm được thông tin của người dân phản ánh tình trạng trên và đang phối hợp để xử lý. Thực ra, đây là đất nông nghiệp nên không thể cấm họ trồng cây gì hay phun thuốc, bón phân. Khoảng cách giữa các vườn trồng ớt với khu dân cư rất gần nên không tránh khỏi mùi thuốc BVTV ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.
Theo ông Thương, trước mắt xã đã tuyên truyền cho người trồng ớt nâng cao kiến thức về việc sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng chủng loại cho phép để đảm bảo an toàn cho cư dân xung quanh. Sau đó, sẽ vận động bà con chuyển đổi sang các cây trồng khác, nhưng cũng cần phải có thời gian vì còn phụ thuộc vào việc xem loại cây trồng nào phù hợp.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV (Sở NN&PTNT), nhìn nhận: Việc phun thuốc sâu gần khu dân cư chắc chắn gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho cả người trực tiếp phun và người dân xung quanh. Dù thuốc nằm trong danh mục cho phép, nhưng người dân tiếp xúc với hóa chất trừ sâu trong thời gian dài có thể gây ra nhiễm độc mãn tính.
“Người dân trồng ớt trong khu dân cư nên sử dụng liều lượng và nồng độ phù hợp trên một đơn vị diện tích, ứng với mỗi loại sâu thì sẽ hạn chế được bệnh rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên người dân nên sử dụng các loại thuốc sinh học để đảm bảo sức khỏe cho mình và người khác”, ông Cang nói.
MINH TUẤN