Việt Nam nỗ lực đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau gồm núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi/khoáng, hệ sinh thái biển và ven biển; hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật của Việt Nam có tính đặc hữu.
Du khách khám phá hệ sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đánh giá giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam đang xuống cấp và thoái hóa. Bà Phạm Minh Thảo, Giám đốc Phát triển Chương trình (WWF Việt Nam) cho rằng, việc giảm giá trị của hệ sinh thái tự nhiên ảnh hưởng rất nhiều đến các chuỗi cung ứng thực phẩm, năng lượng, cơ sở hạ tầng, vận tải, hậu cần cũng như cuộc sống của người dân. Cùng với đó, sự đa dạng về thành phần loài, quần thể loài cũng suy giảm.
Các nguyên nhân gây ra suy giảm đa dạng sinh học chủ yếu do gia tăng dân số và áp lực của việc chuyển đổi sử dụng đất; khai thác tài nguyên thiên nhiên kém bền vững; tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ô nhiễm môi trường. Nhìn từ công tác quản lý, hệ thống chính sách, pháp luật còn phân tán, thiếu đồng bộ, tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Nhận thức và ý thức của các cấp, các ngành, người dân về bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế...
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, việc ngăn chặn tốc độ suy giảm đa dạng sinh học của Việt Nam không chỉ thực hiện các mục tiêu của quốc gia mà đóng góp vào thực hiện các mục tiêu toàn cầu.
Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 là đến cuối thập kỷ, Việt Nam sẽ gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi; bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học nhằm góp phần phát triển KT-XH theo định hướng kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu...Cùng với Chiến lược, Chính phủ đã ban hành Đề án tăng cường phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, đặc biệt là thông qua giảm các đầu mối săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã.
Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" và Dự thảo "Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Các cơ quan chuyên môn cũng đang gấp rút hoàn thiện, sửa đổi những nội dung liên quan tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT về hướng dẫn chi tiết và thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; trong đó có nội dung về đánh giá tác động đa dạng sinh học, bồi hoàn đa dạng sinh học.
Trong năm 2024, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học sẽ tổ chức đánh giá 15 năm thực hiện Luật Đa dạng sinh học, tạo tiền đề cho việc đề xuất, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học năm 2008 theo hướng bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và biện pháp quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hình thành cơ chế quản lý các khu bảo vệ ngoài khu bảo tồn.
Với việc Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal được thống nhất thông qua vào tháng 12.2022 nhằm mục tiêu khôi phục hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước, hướng đến đảo ngược quá trình mất đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, việc triển khai cam kết toàn cầu này là động lực để Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong công tác ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học.
Theo Hoàng Vân (TTXVN)