Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Công khai, minh bạch và hiệu quả
Từ năm 2016 - 2022, UBND tỉnh tổ chức đấu giá thành công hơn 40 điểm mỏ khoáng sản, thu trên 53,8 tỷ đồng. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được tổ chức công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; góp phần đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản, tăng thu ngân sách.
Hằng năm, trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của các địa phương, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện nơi có mỏ khoáng sản khảo sát, kiểm tra các khu vực mỏ dự kiến đấu giá. Sau đó, tổng hợp, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản (KTKS); triển khai đấu giá và cấp phép hoạt động khoáng sản.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT phối hợp các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương có mỏ khoáng sản xác định giá khởi điểm (bằng tiền cấp quyền KTKS); bước giá (bằng 10% giá khởi điểm) và tiền đặt trước (bằng 15% giá khởi điểm). Đồng thời, đăng tải công khai trên cổng thông tin của các cơ quan thông tin, truyền thông; trang thông tin Sở TN&MT để lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá quyền KTKS.
Theo thống kê của Sở TN&MT, từ năm 2016 - 2022, có 51 khu vực (điểm mỏ) trên địa bàn tỉnh đưa vào đấu giá quyền KTKS. Kết quả, đã đấu giá thành công 44 điểm mỏ gồm đá xây dựng, cát xây dựng, đất làm vật liệu san lấp và đất sét làm gạch, ngói; tổng tiền ra thông báo để các DN, đơn vị trúng đấu giá nộp hơn 53,8 tỷ đồng.
Ông Trương Bá Vinh, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT), cho biết: Thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền KTKS trên địa bàn tỉnh được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch giữa các tổ chức, cá nhân KTKS; đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
Việc tổ chức đấu giá quyền KTKS góp phần đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản, phù hợp với kinh tế thị trường.
- Trong ảnh: Một mỏ khai thác cát trên sông An Lão, thuộc địa phận xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân). Ảnh: C.L
Để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản và công tác quản lý nhà nước, Sở TN&MT yêu cầu các DN, đơn vị tham gia đấu giá quyền KTKS cam kết bằng văn bản việc sử dụng khoáng sản. Theo đó, đối với các mỏ đất san lấp và mỏ cát, DN phải cam kết mục đích khai thác chỉ phục vụ thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; không xuất bán ra ngoài tỉnh. Các mỏ đất sét chỉ phục vụ nguyên liệu nhà máy sản xuất gạch, ngói theo công nghệ lò hofman, tuynen đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư.
Mặt khác, trong thành phần hồ sơ bán và nộp tham gia đấu giá quyền KTKS, các tổ chức, đơn vị, DN có 3 cam kết, gồm: Khi trúng đấu giá quyền KTKS thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước đưa ra mời đấu giá; sau khi trúng đấu giá tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (nếu có); hoàn trả chi phí thăm dò (đối với các mỏ đã thăm dò).
Theo một số DN, đơn vị hoạt động KTKS, việc áp dụng hình thức đấu giá quyền KTKS tạo sự công bằng, công khai trong lĩnh vực này. Các DN, tổ chức tham gia đấu giá được sàng lọc cẩn thận, chỉ khi đủ điều kiện về năng lực tài chính, kinh nghiệm mới được tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc không còn “đất” cho những DN, đơn vị “tay không bắt giặc” trong hoạt động khoáng sản.
Ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, nhìn nhận: Việc tổ chức đấu giá quyền KTKS góp phần đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản; phù hợp với kinh tế thị trường theo quy định của Luật Khoáng sản. Xóa bỏ cơ chế xin cho, hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý và phát huy tiềm năng khoáng sản. Thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Năm 2023, Sở TN&MT trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền KTKS trên địa bàn tỉnh với 45 điểm mỏ. Trong đó, 6 điểm mỏ đã có kết quả thăm dò và 39 điểm mỏ chưa thăm dò.
Đến nay, đã tổ chức đấu giá thành 21 điểm mỏ, phần lớn DN tham gia trúng đấu giá với kết quả cao hơn giá khởi điểm từ 2 đến 20 bước giá; cao nhất 246 bước giá.
CÔNG LUẬN