Nông dân Phù Cát, Tây Sơn tập trung phòng trừ rầy
Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Phù Cát sản xuất hơn 7.000 ha lúa. Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh ngay từ đầu vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình chăm sóc và nguồn nước tưới đảm bảo nên cây lúa phát triển đều. Hiện lúa chân 3 vụ đang giai đoạn chắc chín, lúa chân 2 vụ đang giai đoạn trổ và trổ đều. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất lợi nên đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại cục bộ; rầy xuất hiện trên hầu hết giống lúa và chủ yếu trên các diện tích sạ dày.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát, đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 237 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, tập trung ở các xã: Cát Thắng (125 ha), Cát Nhơn (80 ha), Cát Chánh (16 ha), Cát Tường (12 ha), Cát Hưng (4,5 ha); trong đó, có tới 183,5 ha bị nhiễm rầy nặng.
Lãnh đạo và ngành chức năng huyện Tây Sơn kiểm tra diện tích lúa nhiễm rầy. Ảnh: ĐINH NGỌC
Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp huyện đã phân bổ thuốc đặc trị rầy từ nguồn hỗ trợ của tỉnh đến các địa phương cấp phát cho nông dân để phun trừ trên diện tích 170 ha bị nhiễm rầy nặng; phân công cán bộ kỹ thuật đứng chân ở từng địa bàn, kiểm tra đồng để phát hiện và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao. Đồng thời, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi để phát hiện và sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Đến nay diện tích nhiễm rầy đã được khống chế, không để xảy ra cháy chòm và ảnh hưởng đến năng suất.
* Theo kết quả kiểm tra của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn, hiện có 26 ha lúa giai đoạn lúa trổ -chắc chín trên địa bàn huyện bị nhiễm rầy (trong đó 19 ha nhiễm mức độ nhẹ và trung bình, 7 ha bị nhiễm nặng), mật độ phổ biến 1.000 - 2.000 con/m2, cá biệt có một số ổ rầy mật độ trên 5.000 con/m2. Diện tích lúa nhiễm rầy tập trung chủ yếu ở thôn 2 của xã Bình Nghi và phân bố rải rác một số xã khác như: Bình Hòa, Tây Bình, Tây Vinh, Tây An... Dự báo thời gian đến, rầy nâu và rầy lưng trắng chuyển tuổi, rầy non tiếp tục nở, gây hại trên lúa chân 2 vụ giai đoạn trổ - chắc xanh - chín. Ngoài ra, bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại cục bộ trên lúa ngậm sữa - chắc xanh với diện tích nhiễm 2,5 ha, tại các xã Tây An, Tây Phú, Bình Nghi, Tây Giang, Tây Xuân, Bình Tân, Bình Thuận...
Trước tình hình trên, huyện Tây Sơn chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn cử cán bộ kỹ thuật được phân công đứng chân địa bàn thường xuyên phối hợp kiểm tra diện tích nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông, diện tích cần phòng trừ. Xác định những vùng có diện tích rầy tập trung, mật độ cao, có nguy cơ “cháy rầy” cần huy động nguồn lực tổ chức phun trừ tập trung, không để lây lan, gây hại trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024.
TRƯỜNG GIANG - ĐINH NGỌC