Ngăn chặn nhóm lợi ích tiêu cực làm tổn hại thanh danh của Đảng
Những vụ án đã bị điều tra, truy tố, xét xử và những vụ việc gần đây bị phát hiện cho thấy sự câu kết, móc ngoặc của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với doanh nghiệp đang diễn ra rất phổ biến.
Trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến nhận hối lộ đã bị phát hiện ở các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Phúc... hay vụ án liên quan đến chuyến bay giải cứu, Việt Á trong đại dịch Covid-19. Điểm chung trong các vụ việc này là sự cấu kết giữa những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với doanh nghiệp để trục lợi. Các vụ việc được phát hiện chủ yếu liên quan đến những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đất đai, đầu tư công, mua sắm trang thiết bị…
Các bị cáo: Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN; Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á tại phiên tòa hồi tháng 1.2024.
Những vụ án đã bị điều tra, truy tố, xét xử và những vụ việc gần đây bị phát hiện, đang trong quá trình điều tra cho thấy, sự câu kết, móc ngoặc của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với doanh nghiệp đang diễn ra rất phổ biến, làm tổn hại đến uy tín và thanh danh của Đảng, làm thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 cho thấy, cấp ủy, ủy viên kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).
Để hoàn thiện cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý KT-XH, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.
Tuy nhiên, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mặc dù đã có những chuyển biến, nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó ngăn chặn, kiểm soát, nhất là liên quan đến sự câu kết giữa nhiều cán bộ có chức, có quyền với bộ phận doanh nghiệp để trục lợi, đục khoét, tham ô tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao Đảng đã ban hành nhiều quy định về công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, về nêu gương… Nhà nước đã sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực nhưng các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thông qua việc câu kết giữa cán bộ, đảng viên có chức có quyền với doanh nghiệp để trục lợi vẫn diễn ra nhức nhối? Cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước tiếp tục tăng, ở cả Trung ương và địa phương; không chỉ là những vụ việc đơn lẻ, ở một hai người mà thậm chí có địa phương gần như toàn bộ ban thường vụ bị kỷ luật.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu.
Có thể lý giải tình trạng trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân chủ yếu sau: Một là, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu không gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nhiều người sẵn sàng bất chấp, cậy quyền, cậy thế để nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh doanh nghiệp để làm giàu bất chính.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng tìm cách móc nối, kết thân với cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền để được trúng thầu, lựa chọn, ưu ái, tạo điều kiện trong các dự án. Đây là mối quan hệ có qua có lại giữa những người có chức có quyền với doanh nghiệp để trục lợi.
Hai là, những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, nhất là trong các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như đất đai, đầu tư công, đấu thầu,…Đây là cơ hội để cho nhóm lợi ích tiêu cực tìm cách câu kết, móc ngoặc với nhau để trục lợi trong thực thi chính sách. Nhóm lợi ích liên kết với nhau một cách tinh vi, chặt chẽ hơn nên rất khó phát hiện, ngăn chặn.
Thứ ba, cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, bị hoa mắt bởi đồng tiền, không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân.
Thứ tư, ngoài những vụ án được phát hiện trong thời gian gần đây, rất nhiều vụ việc xảy ra từ các nhiệm kỳ trước. Nhiều cán bộ lãnh đạo, tưởng đã “hạ cánh an toàn”, nay lại vướng vào vòng lao lý do các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các sai phạm xảy ra từ nhiều năm trước, không có vùng cấm, không có ngoại lệ theo đúng tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Do vậy, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nói chung, kiểm soát, ngăn chặn nhóm lợi ích tiêu cực nói riêng thì cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, phải dựa vào nhân dân, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đó là các giải pháp về chính trị, tư tưởng, nêu gương của cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó là giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm bịt những lỗ hổng, kẻ hở trong hoạch định và thực thi chính sách; giải pháp về tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, của báo chí - truyền thông; tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn “nhóm lợi ích” với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Theo Yên Hòa (VOV.VN)