Nước thải sinh hoạt ở khu vực đô thị: Cấp thiết xây dựng hệ thống thu gom, xử lý
Bình Ðịnh có 20 đô thị, nhưng chỉ TP Quy Nhơn có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Do đó, lượng lớn nước thải sinh hoạt từ các đô thị thải ra môi trường đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý.
Dù sống ở khu vực có mật độ dân cư đông đúc nhưng lâu nay người dân tại các đô thị thuộc TX An Nhơn, Hoài Nhơn; các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ… vẫn tự xử lý nước thải sinh hoạt hằng ngày bằng nhiều cách khác nhau, do chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Ông Nguyễn Văn Trung, ở khu phố Thiết Đính Bắc, phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn), cho biết: Trước kia, nhiều hộ xây nhà dọc hệ thống kênh, mương dẫn nước, rồi xả luôn nước thải sinh hoạt hằng ngày ra đó. Gần đây, chính quyền địa phương và đơn vị chức năng liên quan tuyên truyền, vận động và tăng cường kiểm tra, ngăn chặn nên tình trạng này không còn. Hiện nước thải sinh hoạt hằng ngày được thu gom, đưa xuống hệ thống hầm rút tự hoại tại hộ dân.
Còn ông Lê Văn Hưng, ở khu phố Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), cho biết đa số người dân địa phương làm hầm rút tự hoại trong nhà để thu gom nước thải sinh hoạt hằng ngày. Riêng những hộ có đất vườn rộng thì nước thải sinh hoạt được thải trực tiếp ra vườn.
Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) có công suất 28.000 m3/ngày, đêm; xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội thành Quy Nhơn. Ảnh: V.L
Đó là những cách xử lý nước thải sinh hoạt phổ biến của đa số người dân sống ở khu vực đô thị. Trong khi đó, các khu dân cư mới thuộc khu vực đô thị tiếp tục hình thành và tăng nhanh và vẫn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nên ít nhiều đã ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường. Ông Lê Văn Hùng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TX Hoài Nhơn, thì cho rằng kinh phí đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho khu vực đô thị rất cao, ngoài khả năng của địa phương.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 20 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (TP Quy Nhơn); 1 đô thị loại III (TX An Nhơn); 2 đô thị loại IV (TX Hoài Nhơn và thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) và 16 đô thị loại V. Tuy nhiên, chỉ TP Quy Nhơn có 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt; các đô thị còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại các khu đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 61.525 m3/ngày đêm. Tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý toàn tỉnh năm 2023 đạt 24,9%.
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy xử lý là rất cần thiết.
Tháng 9.2023, UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính về việc đề xuất dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước mưa, thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn TX An Nhơn, Hoài Nhơn, huyện Tây Sơn. Hạng mục quan trọng là 4 nhà máy xử lý nước thải, công suất 2.500 - 8.000 m3/ngày đêm; thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2029. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến (giai đoạn 1) gần 1.500 tỷ đồng, gồm vốn vay ODA ưu đãi; vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam và vốn đối ứng.
Mục tiêu của dự án là tiêu thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường. Hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị; đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị khu vực TX An Nhơn, Hoài Nhơn và huyện Tây Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
VĂN LỰC