Ðồng hành cùng phụ nữ và trẻ em mù
Hội Người mù tỉnh vừa được Hội Người mù Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2013 - 2023.
10 năm - một chặng đường
Công tác phụ nữ và trẻ em được Hội Người mù tỉnh đặc biệt quan tâm. Hội đã tạo mọi điều kiện để hội viên nữ và trẻ em có cơ hội được phấn đấu, vươn ra khỏi bóng tối đời mình.
Hiện nay, 43% hội viên của Hội Người mù tỉnh là nữ. Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nữ được chú trọng bằng các hoạt động thiết thực như tạo điều kiện học chữ, học nghề, tạo việc làm. Tính đến nay, đã có 72 chị được đào tạo nghề với các nghề như: Xoa bóp, bấm huyệt, tin học, làm tăm, bện chổi, kết hạt cườm… Các chị sau khi học nghề có cơ hội được làm việc với thu nhập khoảng 1,6 - 2,5 triệu đồng/tháng. Trong số họ, có chị đã mở cơ sở massage người mù, tạo công ăn việc làm cho những người đồng tật khác.
Bên cạnh đó, Hội đã vận động từ các nguồn xây, sửa 14 ngôi nhà cho 14 phụ nữ nghèo với tổng số tiền 716 triệu đồng; hỗ trợ 2 phụ nữ nghèo xây nhà vệ sinh, bắt nước sạch; trao tặng 4 sổ tiết kiệm (40 - 50 triệu đồng/sổ), đồng thời vận động hỗ trợ hằng tháng cho 3 phụ nữ mù… Ngoài ra, Hội còn quan tâm thăm hỏi, tặng quà động viên các chị em dịp lễ, tết, hoặc lúc khó khăn, hoạn nạn, ốm đau. Trong đó, đã vận động các nhà hảo tâm trao 10.187 suất quà tổng trị giá gần 3,6 tỷ đồng; hỗ trợ kịp thời cho 2 chị ở huyện Phù Mỹ và huyện Hoài Ân chữa bệnh hiểm nghèo cho chồng, con.
Tiếp sức đến trường cho trẻ em mù cũng là một trong những hoạt động được quan tâm. Hội đã gửi 35 cháu theo học tại các trường chuyên biệt và hòa nhập tại TP Hồ Chí Minh và Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn. Hiện tại, có 4 em đã là sinh viên đại học, 1 em làm giáo viên tại TP Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Hội Người mù tỉnh đến thăm nhà, trò chuyện cùng mẹ con chị Đinh Thị Tiến (giữa). Ảnh: X.Q
Mang ánh sáng đến nhiều số phận
Cả một chặng đường dài, Hội Người mù tỉnh đã mở ra ánh sáng cho nhiều người, giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Trong đó, phải kể đến các lớp tập huấn sử dụng gậy định hướng, sử dụng điện thoại thông minh. Các thành viên sống trong mái nhà chung có sự đoàn kết, trong số họ còn tìm thấy tình yêu, tiến đến xây dựng hạnh phúc gia đình.
“Chúng tôi gặp không ít những khó khăn trong quá trình kêu gọi hỗ trợ. Tuy nhiên, với tâm huyết vun đắp cho cộng đồng khiếm thị, chúng tôi vẫn tích cực huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ những người còn đang lẩn quẩn với bóng tối sẽ chiến thắng thử thách lớn nhất đời mình, đó là vượt qua sự tự ti, mặc cảm”.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh NGUYỄN HÙNG THANH
Theo chị Mai Thị Bích Thu, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, những ngày đầu sát cánh cùng Hội, chị đã được tham gia lớp học hướng nghiệp tại Huế. Là thế hệ đầu tiên trưởng thành và đạt được những thành công nhất định, chị càng hiểu được tầm quan trọng của việc chăm lo cho đời sống của những người phụ nữ mù, cùng với đó là trẻ em cũng không may bị mù giống bố mẹ.
“Lúc đầu, nhiều chị em còn tự ti, phải nương nhờ vào chồng, còn phải chịu áp lực về kinh tế và việc chăm con. Thế nhưng đến nay, nhiều chị em đã có công việc, tự chủ kinh tế, tham gia vào các hoạt động xã hội và góp sức vào công tác Hội, đó là niềm vui không tả xiết”, chị Thu nói.
Mọi người đã dần quen với hình ảnh hai mẹ con chị Đinh Thị Tiến (ở xã Cát Sơn, huyện Phù Cát) tham gia lớp học xóa mù chữ do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Hơn nửa cuộc đời bị bóng tối nhấn chìm và gặp những biến cố gia đình khi có 2 con không may bị mù giống mẹ, chị Tiến không vì thế mà nản lòng. Hình ảnh người mẹ vượt một quãng đường xa đưa con tham gia lớp học chữ Braille khiến ai nấy không khỏi xúc động và khâm phục.
“Là mẹ đơn thân lại có hoàn cảnh khó khăn, áp lực muôn phần nhưng tôi không thể hiện ra ngoài vì sợ các con nản chí. Rất may, Hội Người mù tỉnh đã tạo điều kiện để các con tôi được học chữ, tôi được học nghề. Tôi chỉ mong con sau này mạnh mẽ và sống vui vẻ. Hiện tại, tôi nuôi vài con gà, chăm lo cho con nhỏ. Sau đó sẽ tiếp tục học nghề để có thể có một công việc tốt hơn”, chị Tiến nói.
XUÂN QUỲNH