Bệnh lao và cách phòng tránh
Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch - tiết niệu, lao ruột… trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% tổng số ca bệnh) và cũng là thể chính có khả năng lây truyền bệnh lao.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục.
Những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu). Người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở. Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Nếu bị mắc lao, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ, có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam, hay chữa trị tại phòng khám tư.
Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm vắc xin phòng lao (BCG), nhưng dù đã tiêm phòng lao, ở thời kỳ chưa có miễn dịch, không nên để trẻ tiếp xúc với nguồn lây; khi đã có miễn dịch rồi cũng hết sức hạn chế, không để trẻ cùng sống hay tiếp xúc với người ho khạc ra vi khuẩn lao, đồng thời tránh các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Mỗi người khi bị ho kéo dài hơn 2 tuần, cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao; người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bệnh nhân lao không khạc nhổ bừa bãi, sử dụng miếng vải che miệng khi cười, nói, ho, hắt hơi sau đó để miếng vải trong túi, buộc kín và vứt vào thùng rác. Đặc biệt, người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm quá trình trị liệu. Đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh: Thông khí tự nhiên (cửa ra vào, cửa sổ, ô thoáng), tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt vì vi khuẩn lao dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời. Từ bỏ ngay thuốc lá và rượu bia nếu có thể để các biện pháp phòng chống bệnh lao phổi phát huy hiệu quả và giúp nâng cao sức khoẻ hơn. Người bệnh lao cần chú ý mang khẩu trang khi sinh hoạt với gia đình, không dùng chung bát đũa, đồ dùng cá nhân với người bệnh.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)