Xét tuyển đại học 2024: Nhiều quy định cũ nhưng vẫn "mới" với thí sinh
Một quy định cũ, nhưng vẫn "mới" với nhiều học sinh và phụ huynh năm nay đó là các thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ.
Lưu ý thí sinh về quy chế xét tuyển đại học năm 2024 tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp diễn ra ngày 17.3, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường mà không cần đăng ký nguyện vọng theo phương thức, tổ hợp xét tuyển. Thí sinh cần nhớ phải cập nhật lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT tất cả những dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD&ĐT ban hành.
Phụ huynh và thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng cho hay, một quy định cũ, nhưng vẫn "mới" với nhiều học sinh và phụ huynh năm nay đó là các thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ. Hệ thống này sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Vì thế trên hệ thống này, thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
Về việc có phải đặt ngành trúng tuyển sớm vào nguyện vọng 1 hay không, bà Thủy khẳng định, trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thí sinh chỉ cần quan tâm tới một nguyên tắc ngành nào thích nhất đặt lên trước. Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Nếu các ngành thí sinh thích không đủ điều kiện trúng tuyển thì hệ thống sẽ vẫn xét đến ngành các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm (theo quy định của các trường).
Thông tin thêm về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm 2023. Một điểm mới là năm nay ban đề thi không chỉ có lãnh đạo cục, vụ trực thuộc Bộ GD&ĐT mà còn có lãnh đạo các sở GD&ĐT. Điều chỉnh này để đề thi được ra vừa sức với học sinh, đảm bảo được các mục đích đặt ra của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và đủ độ tin cậy, đủ tính phân hóa để các cơ sở đào tạo có thể sử dụng vào việc tuyển sinh.
Năm nay cũng là năm cuối cùng thí sinh thi theo chương trình GDPT 2006, trường hợp thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp hay chưa đạt mức điểm để xét tuyển đại học như mong muốn vẫn có thể thi lại vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và đề thi phù hợp với chương trình mình được học.
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)