Bất cập trong quản lý, giám sát tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản dưới luật để xử lý các vướng mắc, bất cập liên quan tới hoạt động của các công ty làm dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính là một trong những nội dung chất vấn Bộ trưởng Tài chính trong Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào sáng 18.3.
Trước đó, báo cáo đại biểu Quốc hội về việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ kế toán, kiểm toán, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến ngày 29.2, cả nước có 162 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và 429 kế toán viên hành nghề.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, kế toán viên có thể nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp hồ sơ qua bộ phận Một cửa Bộ Tài chính.
Bộ đã hoàn thành việc triển khai, xây dựng, cài đặt hệ thống ứng dụng dịch vụ công của cơ quan Bộ trong công tác thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Mặc dù vậy, hiện nay, các kế toán viên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán vẫn nộp qua bộ phận Một cửa. Việc tiếp nhận thẩm định hồ sơ được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo thời hạn thời hạn quy định.
Năm 2023, ngành Tài chính đã xử lý vi phạm hành chính đối với 13 trường hợp qua kiểm tra trực tiếp và 16 trường hợp qua giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ thông báo, báo cáo của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán và người hành nghề dịch vụ kế toán.
Ngoài ra, có một kế toán viên bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán và một doanh nghiệp bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán.
Bộ Tài chính cho hay theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế chỉ được cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán đều có quy mô nhỏ và vừa; đa số khách hàng của các doanh nghiệp dịch vụ kế toán cũng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Vì vậy, quy định nêu trên tại Luật Quản lý thuế 2019 đã tạo ra sự không công bằng về điều kiện kinh doanh giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán và đại lý thuế trong việc kinh doanh dịch vụ kế toán.
Từ đó, dẫn đến khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án sửa đổi về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong Luật Kế toán 2015 và Luật Quản lý thuế 2019 để đảm bảo tính nhất quán và hợp lý về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán và đại lý thuế.
Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, phổ biến, giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nắm rõ các quy định về đăng ký hành nghề để thực hiện cho đúng; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến giảm bớt thời gian và tiết kiệm chi phí.
Liên quan đến dịch vụ kiểm toán độc lập, theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 2.2024, cả nước có 221 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.343 kiểm toán viên hành nghề.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính (trực tiếp tại Bộ Tài chính và tại doanh nghiệp kiểm toán) đối với 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề; đình chỉ có thời hạn 17 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực; có công văn nhắc nhở 21 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng chưa đạt yêu cầu.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận khi có thay đổi phải điều chỉnh theo quy định; thực hiện kiểm toán khi thuộc một trong các trường hợp không được thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật; bố trí kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán quá 3 năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán; kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán quá ba năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán...
Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy mặc dù đã được hướng dẫn và phổ biến nhưng nhiều doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ nên chưa nộp đủ thành phần hồ sơ, hoặc kê khai chưa đầy đủ thông tin theo yêu cầu, chưa làm đúng mẫu quy định dẫn đến doanh nghiệp kiểm toán phải nộp bổ sung hồ sơ nhiều lần.
Nhiều doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên kê khai thông tin chưa đúng thực tế, chưa thống nhất giữa các tài liệu, hồ sơ…
Việc kiểm tra xem kiểm toán viên có thực tế hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán hay không được thực hiện bằng nhiều biện pháp, việc kiểm tra qua hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội là hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, việc tra cứu bảo hiểm xã hội để đối chiếu quá trình công tác của kiểm toán viên chủ yếu vẫn do các kiểm toán viên tự kê khai, sao chụp và nộp trong hồ sơ.
Không có quy định để các cán bộ thẩm định hồ sơ có thể chủ động truy cập vào hệ thống bảo hiểm xã hội để khai thác, kiểm tra thông tin.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản dưới luật để xử lý các vướng mắc, bất cập, cụ thể như bổ sung các chế tài xử lý vi phạm, quy định việc phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để các cán bộ thẩm định hồ sơ có thể chủ động truy cập vào hệ thống bảo hiểm xã hội để khai thác, kiểm tra thông tin...
Đồng thời, tăng cường phổ biến để các doanh nghiệp kiểm toán nắm rõ các quy định về đăng ký hành nghề để thực hiện cho đúng và khuyến khích các doanh nghiệp kiểm toán nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến, giảm bớt thời gian và tiết kiệm chi phí.
(Theo TTXVN/Vietnam+)