Trọn nghĩa tri ân
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chảy qua nhiều năm tháng. Bằng sự quyết tâm, kiên trì với tấm lòng của thế hệ hôm nay với người đã hy sinh, tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” đã được trao đến tận tay thân nhân liệt sĩ Võ Chạy (Văn Danh) trong niềm xúc động vô bờ.
Liệt sĩ Võ Chạy sinh năm 1935 tại thôn Hy Tường (xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn). Ngay từ khi còn trẻ, ông Chạy đã thoát ly gia đình, tham gia lực lượng TNXP thuộc tổng đội 204 Khu V. Sau khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tháng 10.1954, đồng chí Võ Chạy tập kết ra Bắc và được bổ sung vào đội 38, Đại đội 385, Đoàn TNXP Trung ương để thực hiện nhiệm vụ khôi phục đoạn đường sắt Lạng Sơn - Mục Nam Quan.
Thanh xuân cống hiến cho đất nước
Theo ông Võ Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, tuyến đường Đội 38 phụ trách thuộc tỉnh Lạng Sơn là địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn về KT-XH. Môi trường giá lạnh, đời sống còn nhiều thiếu thốn, lương thực, thực phẩm nhiều lúc không cung cấp kịp thời, thời tiết quá khắc nghiệt, nhiều ngày trời rét dưới 0°C.
“Khổ nhất là anh em TNXP Khu V lần đầu ra Bắc lại gặp đợt rét khủng khiếp quá sức chịu đựng. Một số anh em phát bệnh, nhất là sốt rét ác tính, thuốc men không cung cấp đầy đủ để chạy chữa. Do đó, một số TNXP đã hy sinh tại công trường, trong đó có đồng chí Võ Chạy (hy sinh năm 1957) và 5 chiến sĩ TNXP khác ở tỉnh Quảng Ngãi (4 người), Thanh Hóa (1 người); được an táng tại nghĩa trang B tỉnh Lạng Sơn”, ông Chiến cho hay.
Cũng như nhiều gia đình khác ở mảnh đất cách mạng Hoài Sơn, gia đình bà Võ Thị Chánh (em gái ông Võ Chạy) lặng thầm nỗi đau khi ông Chạy tham gia cách mạng và ngã xuống cho lý tưởng cao đẹp. Bà Chánh chia sẻ rằng, bà có 2 người anh trai. Tuổi thơ lớn lên với nhiều ký ức về ba mẹ, chứ rất ít kỷ niệm với người anh trai Võ Chạy. Dẫu vậy, trong bà chưa bao giờ nguôi lòng tự hào về anh trai - người con trung hiếu của gia đình, quê hương.
“Lúc chưa đi ra Bắc, anh ấy đã tham gia lực lượng TNXP và rất ít khi về nhà. Trước khi đi ra Bắc, anh có về thăm nhà một lần. Sau đó, gia đình chỉ nghe tin anh mất, ngoài ra không biết được thông tin gì nữa. Buồn và trông ngóng nhiều lắm”, bà Chánh bồi hồi.
UBND tỉnh trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân liệt sĩ Võ Chạy. Ảnh: HỒNG PHÚC
Kiên trì, tận tâm theo đuổi
Đội TNXP 38 giải thể từ năm 1958, nhiều hồ sơ bị thất lạc. Ở nhà tên Võ Chạy, đi TNXP ông lại lấy tên là Võ Văn Danh nên việc tìm thân nhân liệt sĩ để lập hồ sơ, xác nhận liệt sĩ gặp nhiều khó khăn.
Bắt đầu từ năm 2016, Hội Cựu TNXP Việt Nam và Hội Cựu TNXP tỉnh đã có kiến nghị về việc đề nghị công nhận liệt sĩ cho đồng chí Võ Chạy. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng và TX Hoài Nhơn đã phối hợp tiến hành rà soát, xác lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ Võ Chạy, nhưng do không xác định được có thân nhân và quê quán tại xã Hoài Sơn nên UBND tỉnh không có cơ sở để cấp giấy báo tử. Từ đó, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cũng trả lời chưa có cơ sở để UBND xã Hoài Sơn xác lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ theo quy định.
Qua tiếp xúc cử tri, tiếp nhận kiến nghị của Hội Cựu TNXP tỉnh và nghiên cứu, tìm hiểu hồ sơ, tài liệu… Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển đơn đến Cục Người có công và có kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tích cực làm rõ những vướng mắc trong quá trình xác lập hồ sơ liệt sĩ.
Theo bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, xác định đây là trường hợp rất đặc biệt, cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ, dày công, trong suốt quá trình giải quyết, liên tục mấy năm gần đây Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH trong Đoàn luôn trăn trở, theo sát diễn biến vụ việc, vừa theo đuổi kiến nghị, vừa thực hiện giám sát quá trình giải quyết.
Từ ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh mà trực tiếp là đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh cùng chính quyền địa phương tiếp tục triển khai lại việc xác định thêm các thông tin liên quan đến nhân thân của đồng chí Võ Chạy để xác lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Trọng tâm là tiến hành rà soát, xác minh đối với những trường hợp là công dân xã Hoài Sơn có năm sinh từ 1932 trở về trước đã đi khỏi địa phương trong thời gian 1954 để nghiên cứu, sàng lọc. Sự kiên trì, tận tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã đem đến kết quả. Qua sàng lọc có 3 nguồn tin được xác minh độc lập nhưng có kết quả trùng khớp xác định ông Võ Chạy là ông Võ Văn Danh, quê quán tại xã Hoài Sơn.
Sau đó, ngày 15.6.2023, tỉnh Bình Định đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thẩm định. Đến ngày 19.1.2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 86/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” công nhận liệt sĩ cho ông Võ Chạy (Võ Văn Danh).
Bà Võ Thị Chánh (em gái ông Võ Chạy) xúc động, nâng niu tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” - ghi nhận công lao đóng góp vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của anh trai. Ảnh: HỒNG PHÚC
Tổ quốc mãi ghi ơn
Ngày 16.3 vừa qua, tại xã Hoài Sơn, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định và trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân liệt sĩ Võ Chạy (Văn Danh). Có mặt tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Thay (cháu gọi liệt sĩ Võ Chạy bằng cậu ruột, là người thờ cúng, đại diện thân nhân liệt sĩ) chia sẻ rằng ông sẽ không bao giờ quên ngày nhận được điện thoại từ cán bộ xã thông tin hồ sơ của cậu đã được xác nhận và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.
“Tay tôi cầm điện thoại mà cứ run khan. Lúc đó tôi không nghĩ ra điều gì để trả lời, mãi hồi lâu mới nhớ để nói lời cảm ơn. Rồi tôi đến ôm mẹ, báo tin. Hai mẹ con sung sướng, nghẹn ngào khóc nấc!”.
Sau buổi lễ, tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” được gia đình đặt trang trọng lên bàn thờ. Lớn tuổi, tai không còn nghe được rõ, bà Chánh vừa căng mắt đọc những hàng chữ vừa nâng niu sờ tấm Bằng. “Hôm giờ tôi chờ đến ngày này nên thao thức, đêm nào cũng không ngủ được. Nay công lao của anh đã được nhà nước ghi nhận. Mừng lắm, vui lắm! Tôi đã ở tuổi gần đất xa trời rồi, nguyện ước cuối cùng của tôi là đưa hài cốt của anh về với quê hương, với gia đình để tiện việc hương hỏa”, bà Chánh rưng rưng.
Trực tiếp đến thăm, chia sẻ niềm vui với gia đình, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo thông tin, TX Hoài Nhơn đã có kế hoạch cử đoàn công tác ra tỉnh Lạng Sơn, trước ngày 20.4 sẽ cất bốc và đưa hài cốt liệt sĩ Võ Chạy về làm lễ truy điệu, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Sơn.
Nghe được thông tin này, bà Chánh lập tức bảo con trai: “Con phải xin đi theo đoàn công tác. Say xe thì mua thuốc chống say uống vô. Mẹ không say xe nhưng sức khỏe không đảm bảo cho việc đi xa. Bao nhiêu năm nay cậu đã lạnh lẽo nằm ngoài đó một mình. Con phải tận tay đưa cậu về cho mẹ!”.
* * *
Không một bức ảnh để lại. Không một lá thư nhắn nhủ thân nhân. Sự hy sinh lặng thầm ấy tưởng như đã khuất lấp đi trong lớp bụi thời gian, nhưng không, với rất nhiều nỗ lực của thế hệ hậu sinh, gần 70 năm sau, tên liệt sĩ Võ Chạy đã được vang lên trang trọng trong buổi lễ trao Bằng “Tổ quốc ghi công”. Tổ quốc mãi ghi ơn ông!
“Lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm cách giải quyết kiến nghị của cử tri là trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Việc Đoàn ĐBQH tỉnh đã chọn và đồng hành theo đuổi quá trình giải quyết vụ việc của liệt sĩ Võ Chạy là sự cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh và cũng là sự tin tưởng, gửi gắm của cử tri, của tỉnh nhà đối với Quốc hội. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương và thân nhân các gia đình để cùng chung tay thực hiện được tốt nhất các chính sách đối với những người đã hy sinh vì nền hòa bình, độc lập, tự do ngày hôm nay”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh LÝ TIẾT HẠNH
HỒNG PHÚC