Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Trong 2 tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp đã tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng vắc xin theo đúng kế hoạch đề ra và định hướng đây là công tác xuyên suốt để bảo vệ đàn vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Theo thống kê cập nhật từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2023, cả nước xuất hiện 20 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.606 con. Trong các tháng đầu năm 2024 đã xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An, với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là trên 6.600 con. Do vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp, triển khai các phương án và kế hoạch nhằm ngăn ngừa mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào.
Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập
Hiện nay, toàn tỉnh ước có hơn 301 nghìn con bò, gần 633 nghìn con heo, hơn 9,1 triệu con gia cầm các loại (trong đó đàn gà ước đạt 7,195 triệu con). Do vậy, ngay từ đầu năm công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã chú trọng đến kế hoạch tiêm phòng, cấp phát 10.070 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm 9.642 con gia súc; tiêm phòng đợt 1 cho gần 201 nghìn con gia cầm.
Chủ động bảo vệ vật nuôi, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tích cực theo dõi tình hình đàn vật nuôi, chủ động các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, làm tốt công tác tiêm phòng, nắm bắt và cảnh báo kịp thời ngay khi có dấu hiệu.
Nhờ triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đến tháng 2.2024, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát tốt. Các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến ở động vật như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi… tiếp tục được duy trì khống chế, không phát sinh trường hợp mắc bệnh mới.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhấn mạnh: Phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi là công tác quan trọng, phải kiểm soát chặt chẽ, tránh trường hợp chủ quan, mất tập trung. Nhận định đàn vật nuôi là tài sản lớn của người dân, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tích cực theo dõi, chủ động giám sát dịch bệnh và làm tốt công tác tuyên truyền. Ngoài ra, quản lý các cơ sở giết mổ, kiểm soát hoạt động vận chuyển, mua bán; tập trung theo dõi từ các Trạm kiểm dịch động vật, tránh để dịch bệnh xâm nhập.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi theo đúng kế hoạch đề ra. Ảnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Làm tốt công tác tiêm vắc xin
Theo kế hoạch, cuối tháng 3, các địa phương sẽ tổ chức tiêm phòng đại trà bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc. Ngoài ra, các nhóm bệnh khác như: Viêm da nổi cục, dịch tả heo châu Phi… cũng được theo dõi và triển khai tổ chức tiêm phòng.
Với đàn vật nuôi lớn, từ đầu năm đến nay, huyện Hoài Ân đã tích cực chuẩn bị cho công tác tiêm phòng vắc xin. Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho biết: Bám sát theo chỉ đạo của tỉnh, địa phương đã tiêm phòng vắc xin cho hơn 100 nghìn con gia cầm, hơn 3.400 con gia súc. Theo kế hoạch, từ ngày 30.3 - 30.4 sẽ tổ chức tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc; từ ngày 10.5 -10.6 sẽ tổ chức tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu bò. Đồng thời, duy trì tiêm phòng bổ sung khép kín cho một số bê, nghé mới sinh đến kỳ tiêm phòng và một số trâu, bò chưa được tiêm phòng hoặc hết thời gian miễn dịch, đảm bảo tiêm phòng 1 lần/con/năm.
Ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, nhận định: Bên cạnh việc tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch của tỉnh, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, chú trọng phương châm lấy phòng bệnh là chính; sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi phát sinh các dịch bệnh, đảm bảo hoạt động sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp thông tin thêm, đến nay, hầu hết địa phương đều bắt đầu triển khai tiêm vắc xin đợt 1 cho đàn vật nuôi theo đúng kế hoạch về tiến độ, số lượng. Chi cục định hướng thời gian tới tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương, cập nhật thông tin hằng ngày về tình hình dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ xử lý. Tiếp tục triển khai tiêm phòng cúm gia cầm và viêm da nổi cục khép kín cho đàn vật nuôi tại 3 huyện miền núi và các xã miền núi thuộc huyện trung du của Tây Sơn, Hoài Ân.
HỒ THỊ ĐIỂM