Thay đổi cách chăn nuôi gia súc để tăng hiệu quả
Trước đây, nông dân huyện An Lão nuôi nhiều trâu, bò chủ yếu để lấy sức kéo. Đa phần trâu, bò được thả rông trên núi, chưa chú trọng làm chuồng trại hay trồng cỏ để chủ động thức ăn chăn nuôi. Mấy năm gần đây, bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhiều hộ chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ để nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản.
Cách đây 3 năm, gia đình ông Đinh Văn Gơn, ở thôn 2, xã An Hưng, vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để xây dựng chuồng trại, chăn nuôi bò. Từ đó đến nay, trong chuồng nhà ông luôn duy trì 5 - 8 con bò. Với việc nuôi bò theo hướng vỗ béo, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập 30 - 50 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Gơn làm chuồng trại kiên cố, dự trữ thức ăn để nuôi bò vỗ béo. Ảnh: DIỆP THỊ DIỆU
Ông Gơn cho biết: Điều quan trọng nhất trong việc nuôi bò vỗ béo là nguồn thức ăn phải dồi dào. Do vậy, để chủ động thức ăn cho đàn bò, gia đình tôi đã chuyển đổi 3 sào đất trước đây trồng nhiều loại cây nhưng kém hiệu quả sang trồng cỏ voi. Ngoài ra, tôi còn cho bò ăn thêm bắp, mì... Nếu vỗ béo đúng kỹ thuật thì trọng lượng con bò có thể tăng 10 - 15 kg/tháng và sau 5 - 6 tháng có thể xuất chuồng.
Thôn Gò Đồn, xã An Tân, có đàn trâu, bò khá lớn - hơn 300 con. Chị Đinh Thị Lọt, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, chia sẻ: Thôn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, vì thế trong những năm qua, ngoài việc mượn ruộng để trồng trọt, bà con cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Hầu hết các hộ trong thôn đều nuôi trâu, bò, nhà ít thì một vài con, nhà nhiều có cả chục con. Như nhà tôi hiện nuôi 5 con bò sinh sản, thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, hằng năm, số lượng trâu, bò trên địa bàn tăng đều sau mỗi năm. Hiện toàn huyện có hơn 7.700 con bò, hơn 3.200 con trâu, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao như An Toàn, An Nghĩa, An Vinh, An Trung…
Ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Hội đã tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy trong chăn nuôi gia súc; hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia súc, kiểm soát dịch bệnh.
DIỆP THỊ DIỆU