Hàng ngàn dịch vụ y tế sẽ tăng giá
Sẽ có hơn 1.900 danh mục dịch vụ khám bệnh, hội chẩn được điều chỉnh tăng giá. Trong đó, dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm... tăng nhẹ 1 - 4%, có dịch vụ tăng giá đến 10%, giá dịch vụ ngày giường bệnh tăng khoảng 10 - 14%...
Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, từ năm 2024, chi phí trong giá thành toàn bộ của dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm 4 cấu phần: nhân công; chi phí trực tiếp; chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định và chi phí quản lý.
Hầu hết các bệnh viện mới được tính chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, hai cấu phần còn lại chưa được tính.
Biểu giá dịch vụ khám chữa bệnh được công khai để bệnh nhân tham khảo tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sáng 18.3 - Ảnh: TỰ TRUNG
Giá dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 30%?
Dự kiến từ tháng 7-2024 sẽ phải tính đủ chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Như vậy, chi phí quản lý (bao gồm duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý chất lượng...) sẽ được tính thêm trong cấu phần giá dịch vụ y tế.
Bộ Y tế đánh giá việc điều chỉnh viện phí cũng sẽ cân đối với khả năng chi trả của người dân, hài hòa lợi ích người cung cấp và sử dụng dịch vụ, yếu tố thời điểm cũng như lộ trình của Chính phủ. Để có thể tính đúng tính đủ cấu phần chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật khám chữa bệnh.
Trước đó, Bộ Y tế thông tin định mức này được hoàn thiện trong quý III/2023 để trình các cấp xem xét, dự kiến được áp dụng từ năm 2024 khi Luật Khám chữa bệnh sửa đổi chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, tiến độ này đã bị lùi lại.
Gần đây nhất, Bộ Y tế thông tin đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ, trong tháng 3 sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ tính giá.
Ông Nguyễn Bá Việt, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ rất mong chờ hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật theo hướng tính đúng tính đủ mà Bộ Y tế đang xây dựng. Theo ông Việt, thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với các bệnh viện để xây dựng giá theo danh mục kỹ thuật và bệnh viện cũng đã tham gia.
Việc ban hành được giá theo hướng tính đúng tính đủ là hành lang pháp lý để các bệnh viện có thể áp theo quy định nhằm tính giá viện phí, đặc biệt là giá dịch vụ và khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Theo ông Việt, nếu tính đủ yếu tố kết cấu giá dịch vụ y tế (4 cấu phần), các dịch vụ sẽ tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, việc tính đúng tính đủ giá không hề dễ dàng. Vì vậy, bệnh viện cũng đang chờ đợi và hy vọng sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng giá cho các danh mục y tế này.
"Việc tính đủ cấu phần sẽ tính thêm chi phí quản lý, khấu hao tài sản, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin. Chi phí về con người thì dựa vào mức lương Chính phủ quy định, không khó để xây dựng.
Tuy nhiên, bảo dưỡng và khấu hao máy móc sẽ phải tính toán rất kỹ. Với những máy móc có giá trị lớn, chi phí khấu hao và bảo dưỡng sẽ cao hơn... Bởi vậy sẽ có sự chênh lệch lớn về các danh mục sau khi xây dựng tính đúng tính đủ", ông Việt cho hay.
Sẽ áp dụng ngay từ cuối 2024?
Trao đổi tại cuộc gặp mặt thường niên của CLB Giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc cuối tuần rồi, bà Đoàn Thị Kim Dung - Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - chia sẻ cách tính giá viện phí "tính đúng tính đủ" theo Luật Khám chữa bệnh mới có hiệu lực thực hiện từ ngày 1.7.2024.
Cách tính viện phí mới sẽ áp dụng theo quy định trong Luật Khám chữa bệnh và Luật Giá hiện hành. Bốn nhóm chi phí sử dụng để tính giá gồm nhân công (tiền lương, tiền công phù hợp loại hình cung cấp dịch vụ); chi phí trực tiếp sử dụng cho khám chữa bệnh (máu, thuốc, dịch truyền, vật tư y tế); khấu hao thiết bị và chi phí quản lý.
Theo đó, bà Dung cho biết chi phí quản lý là yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế mới nhất sẽ được đưa thêm vào viện phí đợt này, theo hướng tiến đến tính đúng tính đủ giá dịch vụ. Với việc thêm chi phí quản lý, viện phí mới sẽ tính trên cơ sở 3/4 cấu phần tạo nên giá dịch vụ, chỉ còn chi phí khấu hao tài sản cố định sẽ được đưa vào sau này.
Trong chi phí quản lý có cả phần chi cho công nghệ thông tin trước đây chưa được tính. Tuy nhiên, việc điều chỉnh viện phí cũng sẽ cân đối với khả năng chi trả của người dân, hài hòa lợi ích người cung cấp và sử dụng dịch vụ, yếu tố thời điểm cũng như lộ trình của Chính phủ.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Bộ Y tế đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ với 3/4 cấu phần kể trên. Trong tháng 3.2024, bộ sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ tính giá.
Một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết theo cách tính giá dịch vụ mới 3/4 cấu phần thì giá mới sẽ tăng hơn hiện hành khoảng 5%.
Khoảng tháng 7 sẽ trình dự thảo giá mới để áp dụng vào khoảng cuối năm 2024. Với mức giá mới, chuyên gia này nhận định quỹ bảo hiểm y tế đủ khả năng cân đối, nhưng việc đưa thêm yếu tố thứ tư là chi phí khấu hao tài sản cố định vào viện phí thì vẫn phải cần lộ trình vì quỹ với mức thu 4,5% lương cơ bản chưa thể bù đắp được.
"Đã có trên 93% người dân có bảo hiểm y tế, cách tính viện phí mới có điểm đáng chú ý là phần chi bảo hiểm y tế trả cho bệnh viện sẽ đúng và đủ hơn, bệnh viện sẽ tăng được nguồn thu để trả lương cho y bác sĩ và nâng chất lượng dịch vụ. Phần người bệnh phải cùng chi trả (5-20% phí dịch vụ) cũng sẽ tăng theo, nhưng sẽ ở mức 5% của 5-20% này", vị này cho biết.
(Theo TTO)