Tăng trưởng Xanh: Cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực
Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI đóng vai trò tiên phong, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện mục tiêu Chiến lược Tăng trưởng Xanh.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)
“Tại Việt Nam, Tăng trưởng Xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới”.
Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2024.
Cơ hội lớn trong Tăng trưởng Xanh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng Tăng trưởng Xanh, bền vững là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu được mọi quốc gia đang hướng tới với sự thịnh vượng về kinh tế-bền vững về môi trường-công bằng về xã hội.
Vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhận thức được tầm quan trọng của Tăng trưởng Xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược này xác định rõ Tăng trưởng Xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.
Theo ông, Tăng trưởng Xanh phải lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, Chuyển đổi Số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Vietnam+)
Trong quá trình đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Tăng trưởng Xanh.
Ông Dũng nhìn nhận những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu Tăng trưởng Xanh (như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải, thực hiện ESG…).
Với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong Tăng trưởng Xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển KT-XH và môi trường. Định hướng Tăng trưởng Xanh chính là “chìa khóa” đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (giai đoạn 2021-2030). Điều này cũng tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp độ doanh nghiệp.
“Với ý nghĩa đó, việc lựa chọn chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh” cho Hội nghị lần này đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI trong triển khai Tăng trưởng Xanh. Điều này giúp hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về giảm cường độ phát thải khí nhà kính, Xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình Chuyển đổi Xanh trên nguyên tắc bao trùm, bình đẳng, đồng lợi ích, nâng cao năng lực chống chịu và không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Đảm bảo “sức khỏe” của hành tinh
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia IFC, Phụ trách khu vực Mekong nhấn mạnh nếu không thay đổi sớm, Việt Nam sẽ phải tăng tốc và nỗ lực tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu đồng thời cải thiện tính bền vững để đạt được mục tiêu kép là trở thành quốc gia có tỷ lệ cao nhất vào năm 2045 và đạt mức 0 ròng vào năm 2050. Trong khi đó, nhu cầu tài chính để đạt được mục tiêu trên là rất lớn, ước tính gần 7% GDP mỗi năm và riêng năm 2040 sẽ cần khoảng 368 tỷ USD. Một nửa số tiền này sẽ đến từ khu vực tư nhân.
Chiến lược Tăng trưởng Xanh phải gắn liền với chính sách quản lý xã hội và môi trường hiệu quả, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững và từ đó góp phần tạo việc làm cùng tăng trưởng toàn diện. (Ảnh: Vietnam+)
Theo đó, ông Thomas nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng với những lợi thế về công nghệ mới, ý tưởng và kinh nghiệm thực tiễn mới để hỗ trợ các chiến lược hướng tới Xu hướng Xanh.
Bên cạnh đó, Giám đốc quốc gia IFC cho rằng việc thích ứng với biến đổi khí hậu là không có ranh giới mà tất cả đều có vai trò: Từ nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngân hàng và doanh nghiệp trong nước, cơ quan quản lý và Chính phủ. Do đó, chiến lược Tăng trưởng Xanh phải gắn liền với chính sách quản lý xã hội và môi trường hiệu quả, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững và từ đó góp phần tạo việc làm cùng tăng trưởng toàn diện.
Cụ thể hơn, ông Nitin Kapoor-Đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch kiêm TGĐ AstraZeneca Việt Nam cho rằng Tăng trưởng Xanh đồng nghĩa với đảm bảo “sức khỏe” của hành tinh, hạnh phúc của cộng đồng cũng như xây dựng các doanh nghiệp bền vững. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra bối cảnh hiện nay với môi trường cạnh tranh đánh dấu bằng thương mại, phân chia địa lý và căng thẳng địa chính trị. Vì vậy, Việt Nam cần có một hệ thống pháp luật với những chính sách mạnh mẽ, đáng tin cậy, bền vững và cơ sở hạ tầng cùng lực lượng lao động tốt. Điều này là rất cần thiết để vận hành suôn sẻ và thu hút đầu tư liên tục.
Theo ông Nitin Kapoor, các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng đưa thế giới đến một nơi tốt đẹp hơn, trong đó chú ý đến “cách ảnh hưởng” tới hành tinh và con người - Hướng đến sự công bằng và suy nghĩ cho tương lai.
Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021-2025. Chính phủ đã xác định chủ đề năm nay là “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” và đưa ra 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành cùng 12 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có thúc đẩy mạnh mẽ Chiến lược Tăng trưởng Xanh.
Trên cơ sở đó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cho biết chủ đề VBF năm nay nhằm khẳng định về những hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ và sẵn sàng cùng Chính phủ hiện thực hoá các mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, ông Công nhấn mạnh mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050, thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Và, VBF là dịp để cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đề xuất các giải pháp hiện thực mục tiêu này.
(Theo Vietnam+)