Con trẻ ở sân tòa
Sân tòa vốn là nơi không dành cho trẻ em, thế nhưng vì nhiều lý do chẳng đặng đừng, một số em phải có mặt ở nơi này.
1. Sân tòa là nơi thường diễn ra nhiều cung bậc của cảm xúc. Sự ăn năn hối hận của bị cáo, nỗi đau của gia đình bị hại, sự uất hận trước hành vi tàn ác, sự hả hê khi cái ác bị pháp luật trừng phạt đích đáng..., những cảm xúc trái chiều ấy cứ đan xen, lặp lại thường xuyên. Và, cũng chính ở nơi ấy, tôi gặp nhiều đứa trẻ, được người thân dắt đến để được gặp cha hoặc mẹ. Dường như những hỉ nộ ái ố của nhân quả kia vẫn không len vào thế giới tuổi thơ của các em. Nhưng chính vì thế mà nhiều người thấy lòng mình như bị xát muối!
“Lúc nãy con thấy ba từ trên xe kia (xe chở phạm nhân-PV), con kêu ba ơi, mà ba cứ đi thẳng vào trong kia (phòng xử)... Chắc do con gọi ba nhỏ quá nên ba không nghe”. Lời con trẻ của cậu bé K., con của bị cáo Hà Thanh Phương (SN 1983, TP Quy Nhơn), bị TAND tỉnh đưa ra xét xử vì tội mua bán trái phép chất ma túy vào ngày cuối tháng 8 vừa qua, khiến người nghe không khỏi xót lòng. K. được bà nội đưa đến tòa từ sớm để gặp ba, và khi bà nội vào phòng dự khán thì K. quẩn quanh chơi bên ngoài sân tòa. Cậu bé khá dạn dĩ nên chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau. 6 tuổi, cái tuổi cần lắm sự dìu dắt của cha, chở che của mẹ, nhưng K. lại không có được cả hai điều ấy. K. không biết bên trong khán phòng chủ tọa đang xét xử hành vi trái pháp luật của ba mình. Cậu bé hồn nhiên: “Hôm nay nội cho con nghỉ học để lên đây gặp ba, vì còn lâu nữa ba mới về nhà”. K. kể, mẹ em đã có gia đình khác, em sống với ba và bà nội từ nhỏ. Bà nội của K. giọng buồn rầu: “Tôi chỉ còn biết dành tình thương cho nó nhiều hơn để bù đắp cho cháu”.
2.Một ngày khác, cũng ở sân tòa. Chị em bé Th., con của bị cáo Trần Quốc Trọng (SN 1983, Tây Sơn) bị TAND tỉnh đưa ra xét xử vì hành vi giết người, được mẹ đưa đến tòa từ sớm. Cô chị chừng 10 tuổi có vẻ biết chuyện nên không nói gì nhiều, nhưng bé Th. 5 tuổi cứ luôn miệng hỏi: “Sao ba chưa mang búp bê tới, ba làm gì trong đó mà lâu vậy?!”. Rồi thì hai chị em Th. cũng được gặp ba, khi phiên tòa tạm hoãn để điều tra bổ sung. Khi cha của hai bé được dẫn giải ra xe để về lại nơi tạm giam, vì có quá đông người nên bé Th. được người thân bế thốc lên để nhìn ba cho rõ. Nhìn rồi, con bé cười tươi rạng rỡ, bắt chéo tay phía trước mặt mà nói với mẹ: “Gặp ba rồi, về thôi mẹ ơi, ba vòng tay như thế này này”. Th. không biết rằng, đó là động tác đưa tay lên chào của một phạm nhân bị còng hai tay.
Chị em Th. sẽ còn được mẹ dắt đến tòa trong vài lần nữa.
3. Cũng có trường hợp, lúc đầu các em được chính cha hay mẹ dắt đến tòa, nhưng rồi khi kết thúc phiên xử, người đưa các em về nhà lại là một người khác. Hoàn cảnh bé T. (thị xã An Nhơn) mà tôi từng có lần chứng kiến và tiếp xúc là vậy. T. được ba đưa đến tòa từ sớm để gặp mẹ, vì đã nửa năm rồi từ ngày mẹ bị bắt tạm giam, em phải xa mẹ (ba và mẹ của T. cùng bị khởi tố về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng ba của T. được tại ngoại trong thời gian chờ xét xử). T. rất háo hức, thế nhưng khi thấy mẹ thì: “Con thấy mẹ mang cái vòng gì trên tay (còng-PV) lại có nhiều chú công an đi theo nữa, con thấy sợ nên đâu dám lại gần”, cô bé thầm thì kể lại. Rồi T. lại hỏi tôi: “Chút nữa mẹ có về cùng với con và ba không?”. Tôi bối rối trước câu hỏi không biết phải trả lời em như thế nào.
Em đâu biết rằng, sẽ phải rất lâu nữa, gia đình em mới lại được sum vầy, khi tòa tuyên mẹ em phải chịu mức án 18 năm tù giam và ba em là 15 năm tù giam.
* * *
Nhiều lần dự khán các phiên tòa, hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ, quẩn quanh bên ngoài sân tòa cứ ám ảnh tôi. Nơi đây đâu phải chỗ dành cho trẻ con, nhưng vì nhiều lẽ, các em được người thân dắt đến để được gặp ba, mẹ của mình sau những tháng ngày họ “đi làm ăn xa”. Rồi cũng sẽ đến lúc, những đứa trẻ phải đối mặt với sự thật trần trụi và đau lòng kia. Trong tôi thường bật lên câu hỏi, những ngày vắng cha vắng mẹ kia tâm hồn của trẻ sẽ phát triển, sẽ hoàn thiện như thế nào?
NHẬT LINH