Việc xử phạt ngư dân sử dụng lưới lồng để khai thác thủy sản:
Chế tài đã có, song không dễ thực hiện
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND (gọi tắt QĐ 13) về việc bổ sung Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghề khai thác thủy sản (KTTS) bằng phương tiện lưới lồng (hay còn gọi là lờ dây, lờ bát quái) mắt lưới nhỏ chính thức bị “tuýt còi”. PV Báo Bình Định phỏng vấn ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT) quanh vấn đề này.
* Trước kia, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kêu khó vì chưa có cơ sở pháp lý về xử phạt ngư dân sử dụng lưới lồng. Nay, chế tài xử phạt đã có, việc xử lý sẽ được thực hiện như thế nào? Người trực tiếp xử lý là ai?
- Theo QĐ13 của UBND tỉnh, KTTS bằng lưới lồng thuộc danh mục nghề cấm hoạt động tại các vùng nước trong đầm, ven biển của tỉnh. Người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Mức phạt tiền từ 2-4 triệu đồng nếu hành vi xảy ra tại các vùng nước nội đồng và từ 6-8 triệu đồng nếu hành vi xảy ra trên biển. Chế tài cụ thể này sẽ hỗ trợ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mạnh tay trong xử lý các sai phạm trong KTTS, tránh tình trạng lúng túng như thời gian qua.
Còn về thẩm quyền xử phạt hành chính thuộc Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra chuyên ngành thủy sản, Bộ đội biên phòng, Công an. Tuy vậy, để cho công tác xử lý đối với nghề lưới lồng đạt hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; trước hết, cơ quan chủ quản và các địa phương phải chủ động tuyên truyền sâu rộng để ngư dân hiểu rõ và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật.
* Theo đánh giá của ông, nạn sử dụng lưới lồng trong KTTS có thể dẹp bỏ hoàn toàn không?
- Để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này cần phải có thời gian, đòi hỏi các ngành hữu quan và chính quyền địa phương phải phối hợp một cách đồng bộ. Trong đó, cần chú ý đến các giải pháp như: tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng ngư dân ven đầm, ven biển các quy định pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là QĐ 13. Đồng thời, duy trì, củng cố và nâng cao vai trò các đội đồng quản lý bảo vệ NLTS của các địa phương ven đầm, ven biển trong tỉnh. Hơn nữa, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên đầm, trên biển nhằm xử lý các hành vi sử dụng nghề cấm KTTS, cũng như phát huy tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án, tạo ra nhiều ngành nghề mới, việc làm mới để người dân có thể tiếp cận, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp.
* Có dư luận cho rằng, tình trạng gia tăng nạn lưới lồng một phần do Chi cục lơ là trong công tác quản lý. Ông nghĩ gì về dư luận này?
- Cho rằng Chi cục lơ là trong công tác quản lý là không đúng. Chi cục đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ như: tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng dân cư ở địa phương việc “Nghiêm cấm nghề lưới lồng, nghề bơm hút thủy sản trên các vùng nước ven bờ thuộc tỉnh Bình Định”.
Đồng thời, phối hợp phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo cho các UBND các xã ven đầm Thị Nại kiện toàn đội phòng chống sử dụng kích điện, lưới lồng, bơm hút thủy sản. Đến nay, các xã trên đã có kế hoạch triển khai thực hiện QĐ 13.
Bên cạnh đó, Chi cục còn phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương và các đội đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức tuần tra, kiểm soát tại những nơi nghề lưới lồng còn hoạt động nhiều như đầm Trà Ổ, đầm Thị Nại.
* Để ngăn chặn triệt để vấn đề này, giải pháp cụ thể được thực hiện thời gian đến là gì, thưa ông?
- Để ngăn chặn triệt để vấn đề này, thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng lưới lồng để KTTS; xác định việc ngăn chặn, xử lý nghề cấm nói chung, nghề lưới lồng KTTS nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị; chỉ đạo các đội đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương tập trung tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng ngư dân bằng nhiều hình thức như: họp dân, phát tờ rơi, xây dựng pa-nô, áp phích, phát thanh trên Đài truyền thanh địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến các chính sách, các quy định pháp luật về thủy sản.
Đặc biệt, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng quản lý tại địa bàn, tổ chức tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động KTTS theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12.9.2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, qua kiểm tra, khảo sát, toàn tỉnh hiện có 1.205 hộ gia đình ngư dân đang sử dụng 85.057 chiếc lưới lồng để KTTS. Tập trung tại các xã khu Đông của huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn. Do lưới lồng có mắt lưới khá nhỏ nên khi đặt tại các cửa sông, vùng đầm phá ven biển, hầu như các loài thủy sản từ lớn đến nhỏ đều bị dính lưới, dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày càng kiệt quệ.
TRỌNG LỢI (Thực hiện)