Tích cực phòng, trừ rầy hại lúa vụ Ðông Xuân
Hiện nay, tại một số địa phương, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh trên cây lúa vụ Ðông Xuân. Các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung theo dõi diễn biến, tình hình rầy gây hại, nắm chắc diện tích bị nhiễm, áp dụng biện pháp phòng trừ và tích cực theo dõi cho đến khi thu hoạch.
Vụ Đông Xuân năm 2024, toàn tỉnh gieo sạ 46.828 ha/46.847 ha, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, đảm bảo nguồn nước tưới nên cây lúa sinh trưởng và phát triển ổn định. Hiện lúa chân cao đã thu hoạch xong; lúa chân 3 vụ đang ở giai đoạn thu hoạch; lúa chân 2 vụ giai đoạn chín sáp - bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại cục bộ.
Ông Nguyễn Cao Bông (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) kiểm tra, theo dõi tình hình rầy tại đồng ruộng. Ảnh: H.T.ĐIỂM
Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), lứa rầy phát sinh tháng 3 trên lúa giai đoạn trổ - chắc xanh với mật độ rầy phổ biến 500 - 1.000 con/m2; cao mật độ 2.000 - 3.000 con/m2; cục bộ ổ rầy 5.000 - 10.000 con/m2. Tổng diện tích nhiễm 490 ha, tập trung ở các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Ân, TX An Nhơn và TX Hoài Nhơn. Hiện tại, tình trạng rầy đang diễn ra cục bộ tại một số vùng, tuy nhiên sẽ có nguy cơ bùng phát nếu không có phương án xử lý kịp thời.
Do vậy, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương nhanh chóng triển khai phòng trừ tại các diện tích nhiễm rầy có mật độ cao (hơn 3.000 con/m2). Đồng thời, cấp phát thuốc Bassa 50EC với tổng lượng thuốc hỗ trợ 592,2 lít cho các địa phương bị nhiễm rầy nặng và theo dõi sát sao các địa phương còn lại.
Tại các cánh đồng lúa, bà con nông dân đã tích cực phối hợp, theo dõi tình hình rầy gây hại lúa. Ông Nguyễn Cao Bông (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) chia sẻ: “Vừa rồi tại ruộng lúa của tôi phát hiện có hiện tượng rầy với một số chòm nhỏ, tôi đã kịp thời bơm thuốc xử lý. Tôi đang tích cực theo dõi, chăm sóc, tránh trường hợp phát sinh lại lần nữa”.
Ông Lê Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát, cho hay: Qua kiểm tra tình hình bệnh gây hại trên cây lúa giai đoạn tháng 3, địa phương đã phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng nở rộ trên diện tích lúa của các xã Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Hưng, Cát Tường… với diện tích nhiễm nặng là 183 ha. Trước tình hình đó, Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã kịp thời phối hợp với UBND xã tiến hành kiểm tra, thống kê diện tích và khoanh vùng diện tích cần hỗ trợ thuốc trừ rầy. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nhận thuốc, phân bổ và trực tiếp hướng dẫn cho bà con nông dân phun thuốc diệt rầy. Đến nay diện tích nhiễm rầy đã được khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy chòm và ảnh hưởng đến năng suất.
Từ nay đến hết vụ Đông Xuân, các địa phương đã lên phương án tích cực theo dõi, rà soát tình hình rầy, đồng thời tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các biện pháp để người dân chủ động phòng trừ.
Ông Trương Thế Việt, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: Thời gian qua, huyện ghi nhận tình hình rầy lưng trắng đang phát sinh trên lúa giai đoạn trổ - chắc chín, mật độ phổ biến 1.000 - 2.000 con/m2, cao 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ có ổ rầy mật độ trên 5.000 con/m2, địa phương đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện theo dõi chặt chẽ tình hình, tham mưu lãnh đạo UBND huyện phương án chỉ đạo phòng trừ kịp thời và hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi, tuyên truyền vận động, tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân, đồng thời, vận động các chủ cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân cách sử dụng và phòng trừ rầy hiệu quả.
Ông Võ Xuân Thiết, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, thông tin: Cán bộ của trung tâm sẽ tăng cường công tác kiểm tra, dự báo chính xác về tình hình phát sinh và diễn biến rầy, cập nhật thông tin thường xuyên cho nông dân. Bên cạnh đó, trung tâm tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện rầy và xử lý, bảo vệ ruộng lúa cho đến khi thu hoạch.
HỒ THỊ ĐIỂM