Dâng hương tưởng niệm 44 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Trong không khí trang nghiêm, lãnh đạo tỉnh An Giang, nhân dân cùng thân tộc của Bác Tôn đã dâng hoa và dành phút mặc niệm, tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Sáng 22.3, tại Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang đã trang trọng tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 44 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (14.2.1980-14/2/2024 âm lịch) - vị lãnh tụ, người con ưu tú của quê hương An Giang.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gửi lẵng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Trong không khí trang nghiêm, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, TP Long Xuyên, nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng cùng thân tộc của Bác Tôn đã dâng hoa và dành phút mặc niệm, tưởng nhớ những cống hiến to lớn, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam, người đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, là tấm gương và là niềm tự hào của nhân dân An Giang.
Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Tôn đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, nhân dân và bạn bè quốc tế.
Dâng hoa và dành phút mặc niệm, tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Với những cống hiến to lớn đó, Bác Tôn là người đầu tiên vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác như Huân chương Lenin, Giải thưởng Lenin vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc... Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc và quê hương An Giang.
Bác Tôn để lại cho thế hệ sau một di sản vô cùng quý giá về tư tưởng, đạo đức. Đó là tính chất hào sảng của người dân vùng đất Nam bộ, ý chí quật cường, kiên trung và tinh thần yêu nước, thương dân nồng nàn của người chiến sĩ cộng sản, vị lãnh đạo kính mến của dân tộc.
Tự hào về sự nghiệp và đạo đức cách mạng trong sáng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang nguyện đoàn kết một lòng; ra sức học tập, công tác, nêu cao ý chí tự lực tự cường xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Dịp này, Ban Quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng phối hợp cùng Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức triển lãm ảnh chuyên đề triển lãm “Bác Tôn với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; Hội thi gói, nấu bánh Tét với sự tham gia của nhân dân, cơ quan, đoàn thể, trường học trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng.
(Theo TTXVN/Vietnam+)