Điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình
Bộ Y tế cho biết đang triển khai rà soát, sắp xếp danh mục dịch vụ kỹ thuật và xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo danh mục dịch vụ kỹ thuật mới, đồng thời đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Điều hành giá cho phép thực hiện lộ trình giá theo hướng phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ BHYT. Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối quỹ BHYT.
Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại văn bản số 1279/BYT-VPB1 ngày 19.3.
Sẽ đề xuất thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp
Cử tri tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành các quy định về tiêu chuẩn định mức xây dựng công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế; danh mục thiết bị y tế phải kê khai giá; ban hành giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ các cấu phần của giá; vị trí việc làm với chức danh chuyên môn y tế đối với viên chức; xếp hạng đơn vị sự nghiệp y tế; các tiêu chuẩn kỹ thuật phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử công dân, tư vấn và khám chữa bệnh từ xa. Bên cạnh đó, thống nhất với BHXH Việt Nam về việc cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh tâm thần tại trạm y tế xã.
Trả lời về một trong những vấn đề quan trọng được đề cập là giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ các cấu phần của giá, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay theo quy định của Chính phủ, giá dịch vụ công nói chung và giá dịch vụ y tế nói riêng bao gồm 4 yếu tố chi phí: Chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản.
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17.11.2023 và Thông tư 13/2023/TT-BYT ngày 29.6.2023 liên quan đến vấn đề này.
Bộ Y tế cho rằng việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối quỹ BHYT. Trong ảnh: Nhân viên y tế tại BVĐK khu vực Bồng Sơn thực hiện dịch vụ cận lâm sàng cho bệnh nhân.
Căn cứ lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang triển khai rà soát, sắp xếp danh mục dịch vụ kỹ thuật và xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo danh mục dịch vụ kỹ thuật mới. Đồng thời, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Điều hành giá cho phép thực hiện lộ trình giá (tính tiếp 2 yếu tố chi phí quản lý và khấu hao vào giá) theo hướng phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ BHYT.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nói rõ việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá chỉ số CPI để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân. Việc điều chỉnh giá dịch vụ cũng cần căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối quỹ BHYT. Vì vậy, quá trình thực hiện, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để báo cáo Chính phủ việc triển khai thực hiện và đề xuất thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ cho phù hợp.
Đề cập đến các tiêu chuẩn kỹ thuật về phần mềm bệnh án điện tử, Bộ Y tế đã quy định tại Thông tư 54/2017/TT-BYT và Thông tư 46/2018/TT-BYT, hiện đang xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 46/2018/TT-BYT.
Đối với hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện triển khai Đề án 06/CP, ngày 31.10.2023 Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 4026/QĐ-BYT quy định các trường thông tin sức khỏe cá nhân hiển thị ứng dụng VneID thí điểm trên địa bàn Hà Nội.
Trong khi đó, thực hiện tư vấn và khám, chữa bệnh từ xa, Bộ trưởng cho biết hiện nay Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30.12.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể. Bộ cũng ban hành Thông tư 30/2023/TT-BYT quy định danh mục bệnh, tình trạng bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa; Thông tư 49/2017/TT-BYT quy định hoạt động y tế từ xa; Quyết định số 28/QĐ-BYT ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng CNTT để thực hiện hoạt động y tế từ xa.
Về việc cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người bệnh mắc bệnh tâm thần tại trạm y tế xã, Bộ đã ban hành Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn liên quan đến việc quản lý điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần cũng như các bệnh mãn tính khác khi đã được chỉ định, điều trị ổn định ở bệnh viện tuyến trên thì sẽ tiếp tục được theo dõi điều trị tại tuyến cơ sở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.
Đề nghị mức phụ cấp nghề cao nhất với nhân viên y tế
Hiện, nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm với rất nhiều yếu tố nguy hại cho sức khỏe như các yếu tố vi sinh vật, hóa học, bụi, áp lực và cường độ lao động cao, tư thế lao động. Do vậy, cử tri của tỉnh cũng kiến nghị cần xem xét chế độ đặc thù để đảm bảo việc tính tiền lương, chế độ đầy đủ, thỏa đáng, tạo điều kiện yên tâm làm việc và cống hiến.
Cử tri Bình Định đề nghị cần xem xét chế độ đặc thù để đảm bảo việc tính tiền lương, chế độ đầy đủ, thỏa đáng, tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên y tế yên tâm làm việc và cống hiến.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, ngày 24.6.2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của Quốc hội; trong đó có nhiệm vụ, giải pháp về việc nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao tại nghị quyết nêu trên.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2023/QH15, Chính phủ ra Nghị quyết 218/NQ-CP; Bộ Y tế phê duyệt Quyết định 172/QĐ-BYT ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ tiền trực cho cán bộ y tế và phụ cấp y tế thôn bản, sửa đổi, bổ sung Quyết định 73/2011/QĐ-TTg và Quyết định 75/2009/QĐ-TTg.
Theo Bộ trưởng, khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ đã đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế theo Nghị quyết 27-NQ/TW để đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên hức, người lao động ngành y tế phù hợp với các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo để đảm bảo cung ứng đủ vắc xin
Liên quan đến tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng là vấn đề đáng lo ngại, trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đề nghị Bộ Y tế quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm nguồn cung vắc xin, khẩn trương triển khai công tác tiêm bù mũi, tiêm vét cho trẻ em đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo để đảm bảo cung ứng đủ vắc xin Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho trẻ tại một cơ sở y tế ở địa bàn TP Quy Nhơn.
Vấn đề này, Bộ Y tế thông tin đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 13/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế sẽ tổng hợp nhu cầu vắc xin trên cả nước và dự trù kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để đảm bảo cung ứng vắc xin.
Bộ đã hoàn thành các thủ tục mua 10 loại vắc xin đặt hàng trong nước năm 2023, bao gồm vắc xin: Uốn ván hấp thụ (TT); phòng lao (BCG); uốn ván - bạch hầu (Td); viêm não Nhật Bản; bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT); viêm gan B, sởi (MVVAC); sởi - rubella (MRVAC); bại liệt nhị liên (bOPV); rotavin (ROTA). Đến nay, Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương đã phân bổ khoảng 10,3 triệu liều vắc xin cho các tỉnh, thành.
Với vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván, viêm gan B và Hib (DPT-VGB-Hib), Bộ Y tế đã tiếp nhận, bàn giao khoảng 748 nghìn liều do các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ, phân bổ cho 63 tỉnh, thành tổ chức tiêm chủng. Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức đấu thầu và lựa chọn được đơn vị cung ứng 2,8 triệu liều. Theo kế hoạch, 1 triệu liều vắc xin này sẽ về đến Việt Nam cuối tháng 3.2024, 1 triệu liều về trong tháng 4.2024, số còn lại tiếp tục giao trong tháng 5.2024. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo cung ứng đủ vắc xin, tránh tình trạng gián đoạn và chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng.
Tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi nội dung và danh mục dịch vụ kỹ thuật
Cử tri cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định thời gian điều trị nội trú BHYT gây khó khăn cho người dân khi điều trị bệnh. Về vấn đề này, Bộ Y tế thông tin, Luật BHYT không quy định thời gian điều trị nội trú đối với người bệnh có thẻ BHYT. Bộ đã ban hành Thông tư 35/2016/TT-BYT về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; cũng như các thông tư sửa đổi, bổ sung như Thông tư 50/2017/TT-BYT, Thông tư 13/2020/TT-BYT.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật có quy định về điều kiện, tỷ lệ, mức thanh toán nên có tình trạng một số bệnh viện làm thủ tục xuất viện, sau đó mới nhập viện lại để được tiếp tục điều trị. Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi nội dung và danh mục dịch vụ kỹ thuật để bảo đảm người bệnh được tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng, đáp ứng hiệu quả chẩn đoán, điều trị và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.
MAI HOÀNG