NHÂN NGÀY KHÍ TƯỢNG THẾ GIỚI 23.3
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Bình Ðịnh là địa phương chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân. Các ngành chức năng liên quan, chính quyền các địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm chủ động thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Bảo vệ hệ sinh thái ven biển
Giữa tháng 3, Đoàn thanh niên Sở TN&MT phối hợp với các cơ sở đoàn trong Cụm thi đua số 1 (thuộc Đoàn khối Các cơ quan tỉnh) trồng 1.000 cây ngập mặn (gồm cây dừa nước và cây đước) tại khu vực Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước). Đây là hoạt động nhằm phát triển rừng ven biển; bảo vệ, chống xói lở; ổn định hệ sinh thái khu vực Cồn Chim nói riêng, đầm Thị Nại nói chung.
Trước đó, đầu tháng 3, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) và Công ty CP Cảng Quy Nhơn thả gần 470 nghìn con giống gồm tôm, cua, cá tại khu vực ngã ba sông Trường Úc (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn). Hoạt động này nhằm bồi hoàn đa dạng sinh học, phát triển hệ sinh thái, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết: Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên và phát triển rừng ven biển là nhiệm vụ quan trọng để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Bên cạnh đó, thực hiện các dự án về quản lý rác thải nhựa đô thị; trồng rừng, phục hồi, tái sinh rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng có ý nghĩa đặc biệt trong phòng, chống BĐKH.
Còn theo Sở NN&PTNT, để chủ động thích ứng với BĐKH, đơn vị đã đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng, nhất là hệ thống rừng ven biển. Từ năm 2021 - 2023, đã giao khoán bảo vệ hơn 696 ha rừng trồng phi lao ven biển; chăm sóc, phục hồi hơn 128 ha rừng phi lao ven biển. Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển với diện tích hơn 166 ha; rừng ngập mặn với diện tích hơn 147 ha và hỗ trợ trồng cây phân tán (rừng ngập mặn) với diện tích 1,5 ha.
Trồng rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Chim. Ảnh: V.L
Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan
Để giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan, UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng liên quan chú trọng phát triển đô thị ứng phó với BĐKH. Theo Sở Xây dựng, thời gian qua, đơn vị thực hiện nghiên cứu mô hình nhà, công trình hạ tầng kỹ thuật chống chịu bão, lũ; thực hiện chính sách xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt. Phát triển cơ sở hạ tầng và quy hoạch các khu dân cư, các đồ án quy hoạch thẩm định đều xem xét đến BĐKH.
Ngoài ra, Sở còn hướng dẫn UBND TX Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ chủ động rà soát quy hoạch, thực tế phát triển đô thị và các điểm dân cư. Xác định vị trí, mức độ ảnh hưởng của BĐKH như nguy cơ ngập, lụt và suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn.
Còn Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh đã xây dựng một số dự án và được tài trợ thực hiện như: Dự án “Chiến lược mới nhằm tái tạo tự nhiên cho các thành phố dựa vào thiên nhiên - URBAN GreenUP” do Ủy ban châu Âu tài trợ; địa bàn triển khai tại TP Quy Nhơn. Dự án “Giải quyết ngập lụt đô thị thông qua các sáng kiến cộng đồng và đa thành phần tại Việt Nam” do Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ.
Dự án “Xây dựng khả năng chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng tại Bình Định” do Quỹ Zurich tài trợ. Địa bàn triển khai tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) và thôn Xuân Phương, Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước).
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược Quốc gia về BĐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2050” đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiến tới chủ động thích ứng với các tác động của BĐKH. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 có 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn. Hoàn thành di dời ít nhất 70% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Đến năm 2050, 100% số hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; 100% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, chú trọng các công trình đa mục tiêu thích ứng với BĐKH; nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông ở những khu vực có rủi ro thiên tai cao. Hoàn thành các công trình hạ tầng trọng yếu ứng phó với BĐKH, nhất là các công trình phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, nâng cao chất lượng dự báo và cảnh báo sớm trên cơ sở tăng cường đầu tư, hiện đại hóa mạng lưới giám sát BĐKH; giám sát thiên tai chuyên dùng. Nâng cấp công nghệ giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; ưu tiên phát triển công nghệ dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
VĂN LỰC