Mạnh dạn “mở lối” với chồn hương
Ở thôn Thuận Phong (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát), vợ chồng anh Võ Văn Thuận (43 tuổi) là một trong những hộ điển hình về vươn lên làm giàu trên đất quê hương bằng mô hình nuôi chồn hương.
Hơn 10 năm trước, vợ chồng anh Võ Văn Thuận vừa làm nông, chăn nuôi bò, vừa mua bán vật tư nông nghiệp. Với mong ước kinh tế gia đình ngày một đi lên, có thể làm giàu ngay trên đất quê hương, ngay khi có người gợi ý về việc nuôi chồn hương, vợ chồng anh đã tìm hiểu thông tin, khảo sát thị trường. Nhận thấy đây là loài động vật quý hiếm, nhu cầu thị trường lớn, giá trị kinh tế cao, cũng là một loại dược liệu trong y học cổ truyền, anh mạnh dạn đi tham khảo mô hình nuôi chồn hương tại tỉnh Bình Phước, mua 20 con chồn giống đưa về nuôi.
Hành trình nuôi chồn hương của vợ chồng anh gặp không ít khó khăn vì điều kiện khí hậu của miền Trung khắc nghiệt hơn miền Nam. Nguồn thức ăn cũng không phong phú bằng các tỉnh phía Nam. “Đặc biệt, chồn hương rất dễ mắc dịch bệnh. Từ khi bắt đầu, dù còn nhiều bỡ ngỡ, vợ chồng tôi luôn nhắc nhau nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, luôn cẩn thận tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Dẫu vậy, có không ít thời điểm, dịch bệnh tấn công, trại nuôi của tôi cũng gặp nhiều thiệt hại”, anh Thuận chia sẻ.
Vì vậy, dù khối lượng công việc lớn, vợ chồng anh chị luôn chủ trương hai vợ chồng làm là chính, chỉ thuê người khi quá tải, chỉ giao cho lao động bên ngoài làm một số công việc đơn giản. Đối với những công việc phức tạp, đơn cử như việc phối giống, vợ chồng anh chị đều tự tay thực hiện. Người lao động bên ngoài, người lạ cũng có thể là một nguồn lây dịch bệnh nếu không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về phòng dịch bệnh.
Từ 20 con giống ban đầu, đến nay, trang trại của anh Thuận luôn duy trì mức có hơn 100 con chồn hương. Với diện tích vườn khoảng 2.500 m2, anh bố trí thành 4 khu chăn nuôi với 3 trại lớn, 1 trại nhỏ, 1 trại cách ly (chăm sóc chồn hương bị bệnh). Trại lớn nhất có diện tích khoảng 300 m2.
Chia sẻ về “đầu ra” của chồn hương thương phẩm và chồn hương giống, anh Thuận khẳng định: Hiện thị trường tiêu thụ chồn hương rất lớn. Các trại chăn nuôi trong nước vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu. Giá chồn hương thương phẩm hiện khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Có thời điểm giá chồn hương thương phẩm tăng cao gấp nhiều lần. Như năm 2022, thời điểm đại dịch Covid-19, giá chồn hương thương phẩm có lúc đỉnh điểm đạt 2,7 triệu đồng/kg. Thời điểm đó, bán một con chồn có giá giao động 8 - 10 triệu đồng.
Song song với bán chồn thương phẩm, gia đình anh Thuận còn bán chồn giống. Giá chồn giống ước tính cao gấp 5 lần chồn thương phẩm, hiện có mức khoảng 5 triệu đồng/con.
Hay làm, lại chịu khó học hỏi kiến thức, kỹ thuật liên quan, vợ chồng anh Thuận từng bước xây dựng mô hình nuôi chồn hương vững vàng. Trang trại nuôi chồn hương của anh Thuận được đánh giá là có quy mô, số cá thể lớn nhất tỉnh. Tại Quyết định số 806/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 11.3.2024, anh là 1 trong 15 hội viên nông dân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã lập được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất từ năm 2022 - 2023.
NGUYỄN MUỘI