Chủ động phòng bệnh dại
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị mắc bệnh dại gần như tử vong 100%.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, đã ghi nhận 22 người tử vong do bệnh dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn lây truyền chủ yếu dẫn đến tử vong là do bị chó, mèo, dơi và các động vật khác như chuột, khỉ cắn. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu do động vật nghi dại cắn không được tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm không đúng quy định. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Bệnh dại nguy hiểm, nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; phải xích, nhốt; nếu chó ra đường phải được rọ mõm. Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch.
Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vắc xin phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy theo tình trạng động vật, tình trạng vết cắn, vị trí vết cắn và tình hình bệnh dại trong vùng mà người bệnh được dùng vắc xin hoặc dùng vắc xin kết hợp với huyết thanh kháng dại. Trong vòng 6 tháng sau tiêm vắc xin, người dân không sử dụng bất kỳ các loại đồ uống có cồn như rượu, bia...
Bên cạnh đó, cần xử trí ngay sau khi bị chó cắn: Vệ sinh vết thương, cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, xối rửa kỹ ít nhất 15 phút tất cả các vết cắn, trầy xước với nước sạch và xà phòng, dầu gội, sữa tắm… (nếu không có xà phòng) rồi sát khuẩn bằng cồn 45 - 70 độ, cồn i ốt hoặc rượu.
Không cố gắng nặn máu, không chà xát vết thương, tránh làm vết thương bầm dập tổn thương lây lan vi rút nhanh hơn. Không đắp bất cứ loại lá nào lên vết thương, không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá; không đi thầy lang lấy nọc, không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.
Băng vết thương khi bị động vật cắn: Dùng gạc y tế hoặc vải sạch băng vết thương (vừa phải, không quá chặt) để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập.
Đến cơ sở tiêm ngừa tiêm phòng dại ngay. Việc khám và điều trị dự phòng dại bằng tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại phải được thực hiện càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ sau khi bị động vật cắn.
Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)