Kinh tế giết chết ngôn ngữ
Sự phát triển kinh tế đang khiến một số ngôn ngữ trên thế giới biến mất hoàn toàn - nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Cambridge (Anh) khẳng định.
Theo nghiên cứu này, ngôn ngữ của cộng đồng thiểu số tại những khu vực phát triển nhất trên thế giới, trong đó có Bắc Mỹ, châu Âu và Úc, đứng trước nguy cơ bị xoá sổ cao nhất.
Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi tập trung nỗ lực bảo vệ những ngôn ngữ này tại những khu vực phát triển nhất thế giới.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Tatsuya Amano phát biểu: "Các ngôn ngữ trên thế giới hiện nay đang biến mất nhanh chóng. Tình hình này vô cùng nghiêm trọng".
"Chúng tôi muốn biết sự biến mất này được phân bố như thế nào trên thế giới và lý do chính khiến điều này xảy ra là gì" - Tiến sĩ Amano tiếp.
Theo Tiến sĩ Amano, khoảng 25% ngôn ngữ trên toàn thế giới hiện đứng trước nguy cơ "tuyệt diệt".
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng một quốc gia càng phát triển kinh tế thành công thì các ngôn ngữ đa dạng của nước này càng biến mất nhanh chóng.
Tại Bắc Mỹ, hiện chỉ còn chưa đầy 25 người nói tiếng Upper Tanana ở vùng Alaska và ngôn ngữ này đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Tại châu Âu, những ngôn ngữ như tiếng Ume Sami ở vùng Scandinavia hay tiếng Auvergnat ở Pháp cũng đang mai một nhanh chóng.
"Khi kinh tế phát triển, thông thường, một loại ngôn ngữ sẽ trở thành thống trị trong các lĩnh vực giáo dục và chính trị của một quốc gia. Người dân buộc phải sử dụng ngôn ngữ thống trị này nếu không muốn bị cho "ra rìa" về mặt kinh tế và chính trị" - Tiến sĩ Amano lý giải.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện nhiều ngôn ngữ ở vùng núi Himalaya đang đứng trước mối hiểm hoạ tuyệt diệt. Chẳng hạn như, cộng đồng nói tiếng Bahing ở Nepal chỉ còn lại khoảng 8 người. Các nước vùng nhiệt đới cũng có kịch bản tương tự.
"Những nước này đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Vì vậy, trong tương lai gần, những ngôn ngữ này sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất vĩnh viễn".
Nhóm nghiên cứu kêu gọi cần tập trung nỗ lực bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá của những khu vực này.
Nỗ lực bảo vệ thổ ngữ của dân xứ Wales tại Vương quốc Anh là một ví dụ tốt chứng minh cho một chiến lược thành công.
Tố Uyên (Theo BBC)