Ôn tập cho học sinh lớp 12: Chắc kiến thức, vững kỹ năng
Tuần trước, Bộ GD&ÐT đã công bố 15 đề thi tham khảo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trên cơ sở đó, từ đầu tuần này, tổ chuyên môn của nhiều trường THPT trong tỉnh đã họp bàn và lập kế hoạch ôn tập phù hợp với trình độ để học sinh nắm chắc kiến thức, vững kỹ năng.
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy, học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản vẫn giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi năm 2023. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới, trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong từng giờ lên lớp, các giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Phù Mỹ) vừa truyền đạt kiến thức vừa liên hệ thực tiễn để rèn kỹ năng vận dụng cho học sinh lớp 12. Ảnh: M.C
Qua khảo sát, lo lắng nhất vẫn là ở môn Ngữ văn, vì đây là môn thi bắt buộc, duy nhất theo hình thức tự luận. Ở phần Đọc hiểu, đề tham khảo đưa ra ngữ liệu nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải nắm vững phương pháp làm bài và có nhiều kiến thức xã hội.
Cô giáo Trần Thị Kim Nga, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Lý Tự Trọng (TX Hoài Nhơn) cho rằng, cấu trúc đề tham khảo không khác nhiều so với mọi năm, nhưng điều đáng lo là mặt bằng trình độ học sinh của nhà trường không bằng năm ngoái, đặc biệt là kỹ năng xử lý đề, diễn đạt và kiến thức xã hội của các em năm nay non hơn các anh chị năm trước. “Đầu năm học, các thầy cô tổ Ngữ văn đã tích cực tiếp cận, sàng lọc, nhận diện số em học bộ môn chưa tốt, tìm ra điểm yếu và nỗ lực lấp lỗ hổng kiến thức, kỹ năng cho các em. Dù vậy, đến nay vẫn còn những em khiến chúng tôi chưa yên tâm lắm”, cô Nga chia sẻ.
Từ đề thi các năm trước, thầy cô dạy Ngữ văn lưu ý học sinh nên học thuộc lòng các bước làm câu nghị luận xã hội. Trong quá trình tự học, cần tăng cường kết nối, liên tưởng, liên hệ, so sánh những điểm tương đồng, tương phản trong bối cảnh, tình huống, số phận nhân vật giữa các tác phẩm văn học và sự kiện trong cuộc sống. Trên cơ sở đó, các em tự mình rút ra bài học hay đề xuất giải pháp hợp lý, hiệu quả cho tình huống.
Với các môn khoa học tự nhiên, thầy cô nhận thấy, trong đề tham khảo, câu trắc nghiệm đòi hỏi kỹ năng vận dụng kiến thức được rải khắp mọi mức độ - từ dễ đến khó. “Các trường cần hệ thống kiến thức và tìm ra cách ôn tập hiệu quả nhất với trình độ học sinh trường mình, giúp các em dễ thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ. Riêng phần vận dụng, cần hướng dẫn các em những cách nhận diện từ khóa, dữ liệu quan trọng, cả những mẹo đánh đố, gây hiểu nhầm dẫn đến mất điểm đáng tiếc”, thầy Vương Trường Quân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) lưu ý.
Dự kiến, tổ chuyên môn các trường họp bàn, xây dựng kế hoạch ôn tập kỹ lưỡng, trình lãnh đạo nhà trường thống nhất, triển khai vào đầu tháng 5 tới, sau khi học sinh lớp 12 kiểm tra xong học kỳ II.
Năm nay, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TX An Nhơn) có 353 học sinh lớp 12 nhưng qua khảo sát, chỉ có 40 học sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học tự nhiên và nhiều học sinh dự kiến sẽ lấy điểm thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển đại học. “13 thầy cô giáo trong Tổ Văn - Sử - Địa- Giáo dục kinh tế pháp luật của trường đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp, đặc biệt, phần vận dụng kiến thức ở môn Địa lý thường rơi vào nội dung Vùng kinh tế, đây là phần khó, để giúp học sinh của trường đạt kết quả tốt nhất”, thầy Lê Quốc Gia, Tổ trưởng tổ chuyên môn cho hay.
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Ðịnh đang tìm kiếm những đoạn văn hay từ nhiều nguồn, để giới thiệu đến học sinh trong những buổi ôn tập sắp tới; cho các em viết ra giấy để rèn chữ đẹp, rèn kỹ năng diễn đạt. “Để các em trong năm học này có kết quả thi tốt nhất, thầy cô toàn trường không ngừng tìm kiếm, học hỏi, nghĩ ra giải pháp hỗ trợ học sinh lớp 12 từng ngày…”, cô Võ Thị Bích Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
NGỌC TÚ