TP Quy Nhơn - Niềm tin và khát vọng phát triển
TP Quy Nhơn trong những ngày cuối tháng 3 lại rộn ràng sức sống, căng tràn cảm xúc của ngày giải phóng năm xưa. Năm nay thành phố biển còn sôi động hơn mọi năm với hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch… Khát vọng phát triển của thành phố sau 49 năm hòa bình, dựng xây và phát triển như tỏa lan trên mọi phố phường Quy Nhơn.
Tiếp thêm niềm tin, sức mạnh
Khi tôi tìm đến căn nhà số 81 trên đường Trần Anh Tông (phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn), CCB Lê Văn Hương, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn bộ binh 50, đơn vị trực tiếp đánh vào dinh tỉnh trưởng tháng 3.1975, không quá ngạc nhiên. Bởi, ông như một “địa chỉ sống” mỗi năm vài bận tiếp cánh báo chí để kể về câu chuyện giải phóng quê hương năm ấy. Chừng ấy thời gian ông vẫn giữ gìn tư liệu rất cẩn thận, chỉn chu. Ông nói, đó là những thứ không thể quên và không được phép lãng quên, vì trong đó có cả máu xương của đồng đội...
TP Quy Nhơn đang vươn tầm quốc tế nhờ hoạt động quảng bá ngày càng phong phú đa dạng.
- Trong ảnh: Giải vô địch mô tô nước UIM - ABP Aquabike và Giải vô địch thế giới thuyền máy công thức 1 UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 là giải thể thao quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại đầm Thị Nại trong tháng 3 góp phần đưa hình ảnh TP Quy Nhơn vươn ra thế giới. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Tháng 3 gợi về niềm nhớ, những ký ức đẹp lại sống dậy, vẹn nguyên và đầy xúc động trong lòng ông Hương. 49 năm trước, ngày 31.3, trong trận “quyết chiến” tiến về làm chủ Quy Nhơn, giải phóng toàn tỉnh, Tiểu đoàn 50 được vinh dự giao làm nhiệm vụ tiên phong, chủ động. Đúng 20 giờ đêm hôm ấy, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 50 và Đội biệt động thành đã cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc tòa thị chính ngụy quyền. Và, cho đến 16 giờ ngày 1.4.1975, tiếng súng tiến công của quân ta mới lắng xuống, Quy Nhơn - Bình Định được hoàn toàn giải phóng.
“Ngày giải phóng, trên đường phố Quy Nhơn đỏ rợp cờ hoa, người dân đổ xô ra đường đón mừng quân giải phóng. Tay cầm tay xúc động đến nghẹn ngào… Ngày giải phóng Quy Nhơn nhà cửa lụp xụp, xơ xác vì chiến tranh chà xát. Còn giờ Quy Nhơn phát triển rất nhiều. Thành phố mở rộng, những vùng ngoại ô xưa nay là khu kinh tế, khu đô thị, khu dân cư mới, đường phố dọc ngang…”, ông Hương chia sẻ niềm vui.
Còn với người gắn trọn cả cuộc đời với vùng đất Phước Hậu (nay là phường Nhơn Bình), như ông Lê Văn Sửu, Bí thư Đảng ủy phường, thì mỗi lần chứng kiến sự thay da đổi thịt của Nhơn Bình, của thành phố vẫn không tránh nổi cảm xúc lâng lâng. Từ vùng đất liên tục diễn ra các cuộc càn quét, giằng co quyết liệt, dai dẳng giữa ta và địch, phần lớn đường giao thông, ruộng lúa, đê điều bị tàn phá, hoang hóa thì nay lại đã trở thành một đô thị đẹp, sung sức.
Hòa bình đã mang đến sự thay đổi đó - ông Sửu dẫn chứng bằng những thông tin ngắn gọn mà hàm súc: Những năm mới giải phóng, nông nghiệp chiếm trên 80% cơ cấu kinh tế của phường Nhơn Bình, kết cấu hạ tầng hết sức nghèo nàn. Đến giờ, cơ cấu kinh tế thương mại, dịch vụ đã chiếm 60%, công nghiệp 30% và nông nghiệp dưới 10%. Nổi bật nhất là phát triển đô thị, bây giờ nói đến đô thị mới là phải nói đến Nhơn Bình.
Ngay tại thời điểm này, riêng địa bàn Nhơn Bình có đến 16 dự án trọng điểm về giao thông, chỉnh trang đô thị và dân cư của tỉnh và thành phố đầu tư. Đặc biệt, dự án hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh và mở rộng cầu Đôi sẽ hoàn thành thời gian ngắn nữa thôi giải quyết triệt để chuyện ngập úng cho người dân các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu. Rồi, thành phố đầu tư tiếp dự án mở rộng cầu Đôi và tuyến kè kết hợp giao thông hai bên đoạn từ cầu Đôi đến cầu Hoa Lư… “Người dân ủng hộ hết mình cho dự án nên địa phương mới có thể giải quyết nhanh di dời giải phóng mặt bằng 232 hộ dân với 9 DN chỉ trong hơn 1 năm. Nay mai khi cụm công nghiệp Nhơn Bình di dời thì Nhơn Bình sẽ có thêm 1 khu đô thị hiện đại và rất đẹp lên đến 40 ha”, ông Sửu nói.
Từ chỗ là một phường ngoại ô với nhiều khó khăn, nay diện mạo phường Nhơn Bình đã có nhiều đổi thay với những khu đô thị hiện đại. Ảnh: NGUYỄN MINH THỌ
Vì khát vọng lớn của thành phố biển
Sau ngày đất nước thống nhất, cả hệ thống chính quyền và người dân thành phố hối hả bắt tay vào công cuộc kiến thiết lại thành phố. Có thể chưa thỏa như mơ ước nhưng đã hẳn là một cuộc đổi đời, lột xác.
Năm 2015, Quyết định số 495/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trục chính trong phát triển kinh tế của thành phố. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch đáng kể: Công nghiệp - xây dựng chiếm 59,2%, dịch vụ chiếm 36,7% và nông - lâm -thủy sản chiếm 4,1%.
Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã phối hợp và tổ chức lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 các đồ án cho 12 phường nội thành, phường Nhơn Bình và Nhơn Phú, khu đô thị Long Vân, khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, khu dân cư KV 1 & KV 9 phường Trần Quang Diệu, các điểm du lịch - dịch vụ dọc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, bảo tồn và phát triển du lịch bền vững khu vực làng chài xã Nhơn Lý và quy hoạch chung 1/5.000 xã đảo Nhơn Châu, xã Phước Mỹ…
Sự đổi thay tích cực của thành phố còn được thể hiện qua cái nhìn của bạn bè gần xa. Những ngày cuối tháng 3 này, thành phố rộn ràng đón khách phương xa về dự sự kiện Tuần lễ Văn hóa, thể thao và du lịch quy mô lớn. 10 năm trước đến Bình Định hợp tác làm ăn với DN tại Bình Định, lần này trở lại để dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, bà Lê Thị Giàu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam -Canada, Chủ tịch Tập đoàn Thực phẩm Bình Tây, ngạc nhiên: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Quy Nhơn, Bình Định là sự thay đổi quá lớn. Tối hôm trước ngày diễn ra Hội nghị, tôi đã thuê xe điện để đi một vòng Quy Nhơn, phải nói rằng thành phố đẹp vô cùng, những bờ biển tuyệt vời!”.
Bí thư Thành ủy TP Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng khẳng định, đó là những thành quả từ sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền, DN và người dân trong việc xây dựng thành phố phát triển toàn diện. Thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu trở thành một trong các đô thị trung tâm của miền Trung, có nền kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo thành phố có nhiều khởi sắc, không gian đô thị được mở rộng theo hướng hiện đại.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ TP Quy Nhơn là trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, ứng dụng KHCN của vùng; phát triển, mở rộng về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm… Xác định chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…
MAI HOÀNG