Vươn lên từ nghề may trang phục H’re
Ham thích nghề may cùng đôi tay khéo léo, chị Đinh Thị Riêng (SN 1993, dân tộc H’re, ở thôn 2, xã An Quang, huyện An Lão) đã biến trang phục của dân tộc mình thành sản phẩm hàng hóa được thị trường ưa chuộng. Những bộ trang phục đẹp giúp chị phát triển kinh tế gia đình và tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều chị em trên địa bàn.
Năm 2019, chị Riêng học nghề may và xin làm việc tại một xưởng may ở phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn). Qua một lần tham quan xưởng may trang phục truyền thống ở tỉnh Quảng Ngãi, chị nhận thấy nhu cầu sử dụng trang phục của bà con rất cao. Đặc biệt, phong trào giữ gìn, phát huy, phục dựng trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội đang được các địa phương khuyến khích, nhân rộng.
Chị Đinh Thị Riêng có nhiều kinh nghiệm may trang phục thổ cẩm truyền thống của người H’re. Ảnh: T.C
Sẵn có nghề may, tháng 7.2022, chị Riêng mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện mua 3 máy may công nghiệp, xây dựng nhà xưởng, nhập các nguyên vật liệu làm dịch vụ may, thêu trang phục phục vụ bà con trong vùng. Ban đầu may chưa đẹp, chị kiên trì học hỏi, lắng nghe góp ý của mọi người để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.
Có đôi bàn tay khéo léo lại chịu khó, chị Riêng đã may rất nhiều bộ váy áo thổ cẩm đẹp mắt, mang đậm bản sắc dân tộc H’re. Để làm mới các sản phẩm, chị còn dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu mẫu mã, phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng. Nhờ vậy, váy, áo, khố, thắt lưng, khăn… với những nét hoa văn, họa tiết thêu độc đáo do chị làm ra đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trong vùng.
Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của chị Riêng sản xuất 3 - 6 bộ trang phục H’re. Mỗi tháng chị xuất bán ra thị trường trong tỉnh và tỉnh Quảng Ngãi gần 50 bộ, giá 900 nghìn - 1 triệu đồng/bộ. Lợi nhuận trung bình khoảng 70 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
“Thời gian tới, tôi sẽ đẩy mạnh bán trang phục truyền thống H’re qua các kênh thương mại điện tử và tích cực quảng bá mặt hàng này trên các trang mạng xã hội để nhiều người biết đến hơn. Cũng từ đó, tôi mong muốn sẽ góp phần gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, thúc đẩy du lịch ở địa phương ngày càng phát triển”, chị Riêng nói.
TRIỀU CHÂU