Chuyện về những kỷ vật kháng chiến chống Mỹ
Ðến Bảo tàng tỉnh tham quan, ngắm nhìn những kỷ vật kháng chiến hiện đang lưu giữ, trưng bày tại đây, chúng ta luôn cảm thấy tự hào về bản hùng ca chói lọi với sự hy sinh cao cả, tinh thần yêu nước bất khuất, ý chí cách mạng kiên cường của Ðảng bộ, quân và dân Bình Ðịnh góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
1. Kho tư liệu của Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ nhiều bộ sưu tập về báo chí thời kháng chiến; trong đó, có bộ sưu tập Báo Giải phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bình Định và Báo Quyết Thắng của cơ quan Thông tin - Văn hóa tỉnh Bình Định. Đây là những tờ báo tiền thân của Báo Bình Định, được phát hành trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Báo chí Bình Định trong thời kháng chiến chống Mỹ là công cụ tuyên truyền hiệu quả. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Sau ngày Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20.12.1960), Tỉnh ủy giao Ban Tuyên huấn tỉnh chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xuất bản báo. Tờ báo Giải Phóng của cơ quan Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bình Định ra số đầu tiên vào dịp kỷ niệm 1 năm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20.12.1961). Báo ra mỗi tháng 1 kỳ 4 trang khổ tờ giấy manh học sinh in li-tô (bảng đá); mỗi số báo phát hành khoảng 100 bản, được đưa đến tận các cơ sở vùng giải phóng trong tỉnh, mang lại hiệu quả tuyên truyền mạnh mẽ.
Đến giữa năm 1965, đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Báo Giải Phóng được đổi tên thành Báo Quyết Thắng, ra mỗi tháng 1 kỳ, xuất bản liên tục cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nội dung, thể loại đăng tải trên Báo Quyết Thắng góp phần cổ động toàn dân hăng hái thi đua đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi cuối cùng theo Lời kêu gọi của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào… Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.
Ngoài 2 tờ báo Giải Phóng và Quyết Thắng, Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ bộ sưu tập Báo Quân Giải Phóng của Tỉnh đội và Báo Qui Nhơn của Thị ủy Qui Nhơn phát hành. Những tờ báo này không ra theo định kỳ mà theo yêu cầu tuyên truyền gắn với từng sự kiện quan trọng. Báo chí Bình Định trong thời kháng chiến chống Mỹ là công cụ tuyên truyền hiệu quả, được đông đảo cán bộ, nhân dân tin tưởng, mến mộ.
2. Trong kháng chiến chống Mỹ, Ban Tuyên huấn tỉnh đóng tại căn cứ Đồi Chè, xã Cát Sơn (huyện Phù Cát) luôn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân, cũng như tinh thần tham gia kháng chiến của cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng thông qua nhiều hình thức khác nhau, như: Xuất bản, in ấn một số tờ tin tức, ấn phẩm kháng chiến như tờ Giải Phóng; tranh tuyên truyền, cổ động; đẩy mạnh sáng tác các tác phẩm văn học, sân khấu… Trong đó, Ban Tuyên huấn tỉnh đã vận dụng tốt những chiếc máy chiếu phim được viện trợ từ các nước thuộc khối XHCN Đông Âu để thực hiện các buổi chiếu bóng lưu động trong khu căn cứ và vùng giải phóng.
Chiếc máy chiếu phim 16 mm của Ban Tuyên huấn tỉnh được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh là một trong những hiện vật giá trị. Từ năm 1968 - 1975, chiếc máy chiếu này hoạt động được 675 buổi chiếu, với khoảng 1.552 giờ chiếu phục vụ khoảng hơn 6 triệu lượt người xem. Nội dung trình chiếu chủ yếu là những thước phim tư liệu về tình hình chiến sự trên các chiến trường, các bộ phim nhựa về đề tài chiến tranh cách mạng… góp phần cổ động tinh thần chiến đấu của quân và dân trong tỉnh. Sau ngày thống nhất đất nước 30.4.1975, máy chiếu phim này vẫn tiếp tục được sử dụng để phục vụ chiếu bóng lưu động đến khắp các vùng miền núi, đồng bằng trong tỉnh cho đến ngày giao lại Bảo tàng tỉnh lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị kỷ vật kháng chiến.
Chiếc máy chiếu phim 16 mm của Ban Tuyên huấn tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
3. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Bình Định luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng)- đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân khu V, góp phần tô thắm thêm trang sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Bình Định.
Trên chiến trường Bình Định, từ năm 1965 - 1970, Sư đoàn 3 liên tục chiến đấu với địch. Tháng 4.1972, Sư đoàn 3 là lực lượng chính của Quân khu V trong chiến dịch Bắc Bình Định đánh các chốt điểm nhằm vào 3 huyện: Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ; huyện Hoài Ân là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Định được giải phóng hoàn toàn vào tháng 4.1972 và giữ đến ngày thống nhất đất nước. Tháng 3.1975, Sư đoàn 3 cắt đường 19 đánh chiếm TX Quy Nhơn, góp phần giải phóng tỉnh Bình Định.
Lá cờ “Phất cờ chống Mỹ” của Sư đoàn 3. Ảnh: Bảo tàng tỉnh
Tháng 1.1976, Sư đoàn 3 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân nhân. Trong một chuyến về thăm chiến trường xưa sau ngày thống nhất đất nước vào năm 1977, các cựu chiến sĩ Sư đoàn 3 đã tặng Bảo tàng tỉnh nhiều hiện vật quý giá; trong đó, có 1 lá cờ vải màu đỏ hình tam giác vuông, xung quanh lá cờ tạo viền tua ren mùa vàng, giữa lá cờ thêu hàng chữ màu vàng “Phất cờ chống Mỹ”, phía trên thêu ngày 20.7.1961- là ngày thành lập Bộ Tư lệnh Quân khu V. Lá cờ này được các chiến sĩ Sư đoàn 3 sử dụng trong lễ tuyên thệ xuất quân ra trận. “Phất cờ chống Mỹ” cũng chính là nhiệm vụ Sư đoàn 3 ngay từ những ngày mới thành lập (2.9.1965) luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ dũng cảm chiến đấu vì lá cờ vinh quang của Tổ quốc, vì một đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN