AI: Giải pháp mới cho các vấn đề môi trường ở Ðông Nam Á?
Trí tuệ nhân tạo hiện diện ngày càng sâu trong đời sống con người. Tại khu vực Ðông Nam Á, trí tuệ nhân tạo đang được thử nghiệm trong dự báo thời tiết và giám sát đa dạng sinh học.
AI và dự báo thời tiết
Hãy tưởng tượng về bản tin dự báo thời tiết có thể cung cấp thông tin chính xác nhiệt độ và điều kiện gió ở cấp độ thành phố hay mức độ ảnh hưởng của một trận bão đối với một khu dân cư riêng lẻ, giúp người dân có thể chuẩn bị ứng phó đúng lúc. Đó là những gì mà ông Alex Levy, người đồng sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo (AI) Atmo (Mỹ), đang hướng đến, với mục tiêu tạo ra cuộc cách mạng công nghệ về dự báo thời tiết.
Cơ quan Khí tượng Philippines (PAGASA) hiện sử dụng nền tảng này, với mục tiêu bổ sung cho hệ thống dự báo thời tiết hiện tại của nước này bằng giải pháp học máy. Theo đó, công cụ AI chạy trên nền tảng của Atmo có thể dự báo thời tiết chính xác hơn, thay vì chỉ phụ thuộc vào hệ thống siêu máy tính và vệ tinh của Mỹ, Anh hay Nhật Bản. Tại PAGASA, người đứng đầu dự án này tự tin rằng, công nghệ AI của Atmo có thể giúp cơ quan này chuyển sang trọng tâm dự báo thời tiết dựa trên tác động, nghĩa là có thể đo lường được thiệt hại tiềm ẩn từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, chứ không phải chỉ thông báo là các chỉ số cơ bản như lượng mưa, tốc độ gió...
Theo bà Maria Cristina Uson, chuyên gia thuộc PAGASA, mô hình truyền thống có thể dự báo chính xác thời tiết của 2 - 3 ngày tới trong quy trình khoảng 3 giờ, còn công nghệ AI của Atmo chỉ mất 15 phút để đưa ra dự báo chính xác cho 14 ngày. Mặc dù chi phí cho công nghệ này đến 50 triệu peso/năm (890 nghìn USD/năm), nhưng bà Uson cho rằng điều này là đáng giá.
Trí tuệ nhân tạo đang cung cấp những giải pháp mới cho các vấn đề cũ. Ảnh: iStock/imaginima/NASA
AI và đa dạng sinh học
Hai nghiên cứu viên Clara Hernblom và Johan Narva (Trường ĐH Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển) đang tiến hành nghiên cứu tại khu rừng rậm nhiệt đới Sabah trên đảo Borneo - phần thuộc Malaysia, nhằm tìm hiểu rõ hơn về mức độ đa dạng sinh học, từ đó cung cấp thông tin sâu hơn về hiệu quả của tín chỉ carbon. Họ đã lắp đặt hàng chục máy ghi âm tại hiện trường, nhằm ghi lại âm thanh của động vật, chim và loài bò sát sống ở đây trong 10 ngày.
Thay vì phải nghe hàng nghìn bản ghi trong nhiều giờ và xác định loài vật, họ tải các bản ghi âm lên nền tảng AI có tên là Arbimon, giúp phân tích theo từng khung thời gian. Giải pháp này ngày càng được sử dụng nhiều trên thế giới và là công cụ miễn phí cho các nhà nghiên cứu.
Ban đầu, Arbimon chỉ là chương trình lưu trữ đám mây, dùng để phân tích các bản ghi âm tại một trường đại học ở Puerto Rico. Sau đó, ứng dụng này được các kiểm lâm vườn quốc gia dùng để phát hiện các hoạt động trái phép, như việc sử dụng cưa máy.
Theo ông Bourhan Yassin, CEO của Rainforest Connection, tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ hệ sinh thái, với ứng dụng AI này, mọi người có thể xử lý 1 triệu bản ghi chỉ trong thời gian tính bằng giây. Trung bình mỗi tuần có 2 - 3 triệu bản ghi được tải lên nền tảng này và ứng dụng xử lý khoảng 2 triệu phân tích cho 6.000 dự án tại 120 quốc gia. Tuy nhiên, ứng dụng này vẫn bị hạn chế sử dụng ở Đông Nam Á, do chính phủ các nước còn lo ngại về việc thu thập dữ liệu, cũng như việc lưu trữ thông tin bên ngoài lãnh thổ.
LÊ QUẢNG (Theo CNA)