Quà của biển
Truyện ngắn của NGUYỄN ÁNH NGUYỆT
Nhận được tin có tên trong danh sách đoàn cán bộ, phóng viên ra đảo Trường Sa biếu quà Tết, Hà vui lắm. Từ ngày sinh viên, cô đã khao khát được đặt chân lên mảnh đất đầu sóng ngọn gió này, khao khát được chạm tay vào cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Lần đầu tiên tới vịnh Cam Ranh, một trong hai điểm khởi hành đến đảo xa, Hà cảm nhận rõ nhịp đập rộn ràng nơi ngực trái. Quà và nhu yếu phẩm cho quân dân Trường Sa đã lần lượt được vận chuyển xuống tàu. Đón đoàn là những anh lính hải quân có nước da nâu sậm, đẹp khỏe khoắn trong bộ quân phục trắng xanh. Một anh khoảng 30 tuổi, khuôn mặt vuông kiên nghị đỡ Hà lên tàu, nhìn cô trìu mến: “Chị đã uống thuốc chống say chưa? Say sóng là ghê lắm nhé, không dịu dàng như say người yêu đâu!”. Câu nói dí dỏm khiến Hà bật cười. Cô vẫn hình dung những người lính biển nguyên tắc và lạnh lùng, không ngờ các anh lại hài hước và đáng yêu đến thế.
Điện thoại báo có tin nhắn, Hà mở ra đọc. Là Quân, người yêu của cô: “Anh sẽ học ở đây thêm vài năm nữa để làm luận án tiến sĩ. Anh không muốn bắt em chờ đợi, sợ làm khổ em. Tuổi xuân của phụ nữ qua nhanh lắm. Em xinh đẹp, dịu hiền, chắc chắn tìm được người đàn ông tốt, thương yêu em hơn”. Tuy đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng Hà không nghĩ sẽ nhận được lời chia tay vào lúc này, khi cô đang đến với Trường Sa, thực hiện mơ ước bao lâu nay của cô. Quân là bạn học cùng bàn thời phổ thông với Hà. Hai đứa thân nhau, rồi yêu nhau vào những ngày cuối cùng trong đời học sinh và suốt những năm tháng sinh viên thơ mộng. Ra trường, Hà về quê công tác, còn Quân lấy được học bổng du học ở Anh. Lúc đầu, khi Quân dè dặt hỏi Hà có nên đi du học không, Hà òa khóc. Cô không muốn xa Quân nhưng rồi cô biết mình không thể giữ anh lại.
Những ngày mới xa nhau, Quân gọi điện và nhắn tin cho Hà liên tục. Nhưng càng về sau, liên lạc của Quân càng thưa thớt. Hà nhắn tin hỏi thăm, phải vài ngày sau, Quân mới trả lời. Câu chuyện giữa hai người cũng dần nhạt nhẽo, gượng gạo, thậm chí có lúc Quân còn né tránh những lời nói âu yếm, quan tâm của Hà. Hà lờ mờ cảm nhận tình cảm của Quân không còn nguyên vẹn như trước. Lòng cô nằng nặng buồn. Lời chia tay này, cô đã thấp thỏm hình dung nó sẽ đến nhưng cũng không bao giờ nghĩ nó sẽ đến kiểu như thế này…
Rời khỏi Quân cảng Cam Ranh, con tàu lừng lững tiến ra biển. Gió yên, sóng lặng. Đêm dần buông xuống đại dương, đất liền sau lưng chỉ còn là một quầng sáng mờ nhạt. Mọi người ùa ra các hành lang xung quanh tàu chụp ảnh và ngắm cảnh. Biển đêm êm ả, huyền ảo quá! Một chị trong đoàn hồ hởi: “Thế mà ở nhà cứ dọa sóng to gió lớn, làm tôi uống phí một viên thuốc chống say”. Nhưng trưa hôm sau, thời tiết xấu, sóng từng đợt đùng đùng dội thẳng vào mạn tàu. Cả con tàu rung lên theo nhịp sóng. Các anh chị em trong đoàn đều chếnh choáng, có người nôn thốc nôn tháo và nằm vật xuống giường, không dám ngóc đầu dậy. Bởi chỉ cần ngồi dậy một chút thôi là đã thấy trời đất quay cuồng, gan ruột lộn lạo, bụng dạ như muốn lộn ngược ra ngoài. Vậy mà, thật kỳ lạ, Hà lại không say. Cô chỉ hơi chóng mặt. Có thể liều thuốc mua của ông bác sĩ gần nhà hiệu nghiệm, có thể cái cảm giác đau đớn, bất lực khi buộc phải chia tay một mối tình sâu nặng khiến thần kinh Hà căng ra, sóng gió không đủ sức làm cho mềm lại.
Tranh của họa sĩ HỒ MINH QUÂN
Đến bữa cơm trưa, lác đác vài người xuống ăn. Chị cùng phòng với Hà kiên quyết nhịn đói, vì ăn vào bao nhiêu thì lại nôn thốc nôn tháo ra bấy nhiêu, nôn hết cả mật xanh mật vàng. Những người còn ngồi dậy được tranh thủ lùa cơm vào miệng cho có cái lót bụng rồi nhanh chóng về phòng nằm nghỉ. Hà chọn chỗ ngồi sát cửa sổ, xới một bát cơm nhỏ, trệu trạo cố nhai vài miếng. Những dòng tin nhắn của Quân cứ nhảy nhót trong đầu cô. Trái tim cô quặn lên từng cơn đau thắt.
- Ngạc nhiên quá! Tôi cứ tưởng chị sẽ là người say sóng đầu tiên cơ đấy! Trông mảnh khảnh thế này mà chịu sóng giỏi thiệt!
Hà giật mình quay lại, bắt gặp gương mặt hiền và nụ cười ấm áp anh lính hải quân hôm trước đỡ cô lên tàu.
- Tôi tên Trung, còn chị tên gì nhỉ. Chúng ta làm quen với nhau nhé!
Hà khẽ gật đầu chào:
- Em tên Hà ạ, Thanh Hà.
Trung kéo ghế ngồi cạnh cô, nhìn vào bát cơm còn nguyên, nhíu mày lắc đầu:
- Trời đất, cơm canh nguội và vữa hết rồi. Thôi bỏ bát đó đi, để tôi xới cho chị bát khác.
Nhìn Trung xới cơm, gắp thức ăn vào bát, tự nhiên sống mũi Hà cay nồng, cảm giác nghẹn ngào bỗng dâng lên cổ. Ngày xưa mỗi lần Hà giận dỗi bỏ ăn, Quân cũng quan tâm đến cô như thế. Những kỷ niệm cũ ùa về khiến nước mắt cô giàn giụa.
- Ôi chết, tôi lỡ nói gì để chị giận à. Tôi xin lỗi, xin lỗi…
Trung lúng túng lấy khăn giấy cho Hà lau nước mắt. Hà ngượng nghịu lắc đầu:
- Không, không phải lỗi của anh. Tại tôi, tại hôm nay tôi có chút tâm trạng, tôi vừa chia tay mối tình đầu.
Chẳng hiểu sao Hà lại dễ dàng thổ lộ chuyện riêng tư cho một người đàn ông vừa quen như thế. Tính cô vốn kín đáo, có chuyện gì cũng lặng lẽ chịu đựng một mình, rất ít khi chia sẻ, kể cả với chị và mẹ. Cô luôn sợ người thân lo cho mình, vì mình mà thấp thỏm bất an.
Trung nhìn Hà với ánh mắt thông cảm:
- Tâm trạng thế này, chị chẳng nuốt nổi cơm đâu. Giờ chị cố uống nốt bát canh này rồi về phòng nằm nghỉ đi. Tôi phải đến hỗ trợ một số anh em say sóng bỏ ăn. Lát nữa tôi rảnh, nếu chị tin tưởng thì chúng ta nói chuyện chút. Trước lạ sau quen, mong là tôi có thể giúp chị nguôi bớt.
Hà lau nước mắt, đỡ lấy bát canh từ tay Trung. Không hiểu sao nghe giọng nói trầm ấm và nhìn vào khuôn mặt cương nghị của anh, Hà lại thấy yên tâm, tin tưởng. Từ ngày yêu Quân, chưa bao giờ cô có cảm giác với ai như thế.
***
Trời dần về tối, sóng có vẻ dịu đi, con tàu bớt lắc lư, tròng trành. Hà ngồi đối diện với Trung, dè dặt kể cho anh nghe về cuộc sống và công việc của cô. Nói ra được những điều u uẩn, Hà thấy nhẹ nhõm và thanh thản. Cô hít một hơi thật dài, mỉm cười:
- Tôi làm phiền anh quá! Chia sẻ được với anh, tôi thấy ổn rồi. Cảm ơn anh.
Trung nhìn vào mắt Hà, giọng anh trầm buồn:
- Lạ thật, chuyện của chị rất giống chuyện của tôi. Chúng tôi cùng quê, yêu nhau suốt những năm tháng sinh viên. Ra trường, cô ấy về quê dạy học, tôi thì được điều động tăng cường lực lượng cho Vùng 4 Hải quân. Xa nhau đằng đẵng, liên lạc rất khó khăn vì những nơi tôi đóng quân không có sóng điện thoại. Tôi và cô ấy chỉ biết trao gửi tình cảm vào những lá thư. Rồi bẵng đi một thời gian, tôi không nhận được thư của cô ấy…
Trung dừng lời, anh im lặng nhìn ra bầu trời đêm. Hà đọc thấy trong mắt anh nỗi buồn sâu thẳm. Cô khe khẽ hỏi:
- Thất lạc thư hả anh. Hay là…
- Thư vẫn đến đúng tay người nhận, chị à. Tết năm đó, tôi xin nghỉ phép về thăm nhà và thăm cô ấy. Mẹ tôi báo tin cô ấy sắp lấy chồng.
- Ôi, sao lại thế! Anh có đến gặp cô ấy hỏi cho ra nhẽ không?
- Lúc đầu, tôi sốc. Tôi cũng định gặp cô ấy để hỏi tại sao. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định không gặp nữa, cũng không nhắn tin, không điện thoại. Tôi viết cho cô ấy một lá thư chúc hạnh phúc và nhờ mẹ sau Tết thì chuyển cho cô ấy.
- Không yêu nữa là quyền của cô ấy, nhưng cũng phải nói với anh một tiếng chứ. Tệ quá!
Trung cười buồn:
- Mỗi người có một suy nghĩ riêng, tôi hiểu cô ấy. Yêu xa thiệt thòi lắm, nhất là với phụ nữ. Bởi chấp nhận yêu xa là chấp nhận những đợi chờ vô điều kiện, chấp nhận chống chọi với cô đơn và nỗi nhớ nhung da diết. Cô ấy không vượt qua được cảm giác cô đơn và không đủ mạnh mẽ để chủ động nói lời chia tay…
Tự nhiên Hà thấy ghét người con gái mà cô chưa biết mặt. Cô bướng bỉnh:
- Đấy là bao biện! Tình yêu thật sự sẽ vượt qua được cảm giác nhớ nhung và cô đơn. Tôi không thông cảm được cho cô ấy.
- Trời đất, nhìn chị hiền mà cũng ghê gớm lắm!
Trung khẽ dí nhẹ ngón tay lên trán Hà, rất gần gũi và tự nhiên như thể hai người đã quen thân lâu lắm. Trung kể cho Hà nghe về cuộc sống của những người lính đảo. Mặc cho sóng to gió lớn, hiểm nguy rình rập, các anh vẫn kiên trung bám đảo, bám biển, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, giữ bình yên cho đất nước. Giọng Trung sôi nổi và ầm ào như sóng biển. Giờ Hà mới biết những điều tưởng chừng rất đỗi quen thuộc, hiện diện thường nhật trong đất liền lại cực kỳ quý giá đối với đảo xa. Đó là những vồng rau mồng tơi, những luống rau muống nằm trong các chậu gỗ được cánh lính đảo cẩn thận che chắn, chăm bẵm từng ly từng tí một. Hà hỏi:
- Vậy ở đảo, thiếu nhất thứ gì hả anh? Có phải rau xanh không?
- Không, thiếu nhất là phụ nữ.
Hà tròn mắt ngạc nhiên. Giọng Trung lạc đi:
- Chúng tôi cũng có trái tim, có tình cảm mà chị, đâu phải mình đồng da sắt. Giữa bao la sóng nước, mùa hè nắng cháy da, mùa đông lạnh buốt xương buốt thịt, chúng tôi cũng khát khao một bàn tay mát lạnh của phụ nữ, một vòng ôm thật ấm áp chứ. Nhờ có sự quan tâm của đất liền, đảo giờ không thiếu thứ gì. Cánh lính cũng tự tăng gia sản xuất, đánh bắt hải sản, nuôi gà nuôi lợn, trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn. Nhưng cảm giác thèm khát sự quan tâm của phụ nữ thì không gì thay thế được. Có chiến sĩ nhớ người yêu, nhớ vợ quá, nửa đêm khóc tu tu như đứa trẻ…