Giữ tròn phong vị quê hương
Ẩm thực truyền thống, trong đó có các loại bánh truyền thống, giữ một vị trí đặc biệt trong tâm tưởng mỗi người. Ở các địa phương, những loại bánh truyền thống vẫn đang được gìn giữ bởi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ. Không chỉ đưa bánh đến tay người tiêu dùng, khẳng định giá trị của bánh truyền thống, nhiều phụ nữ còn trao truyền bí quyết cho các thế hệ kế tục.
Gìn giữ hương vị quê hương
Gặp bà Trương Thị Hồng Bửu (71 tuổi, ở huyện Tây Sơn) tại Ngày hội bánh truyền thống Bình Định với chủ đề “Mâm bánh xứ Nẫu” do Hội LHPN tỉnh tổ chức mới đây, nhiều người mới được biết đến món bánh tai yến. Theo bà Bửu, bánh truyền thống có nhiều loại nhưng theo thời gian càng ít người biết làm. Bánh tai yến được làm từ bột gạo, bột nếp, bột năng, nhào nặn ra hình tổ yến, thêm vào một số gia vị khác rồi chiên trong khuôn gang nhỏ. Khi chiên lên, bên ngoài bánh sẽ giòn, bên trong dẻo, ăn rất ngon.
Bà Trương Thị Hồng Bửu (bìa phải) chăm chút những món bánh truyền thống của quê hương mình. Ảnh: T.K
Cùng với bánh tai yến, bà Bửu còn làm được nhiều loại bánh khác như bánh hỏi, bánh hồng, bánh thuẫn... Bà Bửu cho biết: “Có thể người trẻ hiện nay không biết cách làm bánh truyền thống vì có nhiều món ăn để lựa chọn, hàng bán sẵn cũng rất nhiều. Bánh truyền thống tuy đòi hỏi hơi nhiều công nhưng không quá khó, ai nắm công thức cũng có thể thực hiện được. Khi còn trẻ tôi đã có thể làm được nhiều loại bánh. Bây giờ, dịp đám tiệc của gia đình, tôi vẫn “trổ tài” cho mọi người thưởng thức hương vị truyền thống. Đôi lúc có người đặt hàng, tôi cũng rất sẵn lòng”.
Là người có thời gian dài gắn bó với bánh truyền thống như bà Bửu, bà Phùng Thị Thu Hà (60 tuổi, ở huyện Vân Canh) biết làm nhiều loại bánh mang đặc trưng của quê hương. Cũng là bánh chưng, bánh tét, bánh ít, nhưng những loại bánh này của huyện Vân Canh không được làm từ nếp và bột nếp, mà làm từ khoai mì - loại cây trồng phổ biến tại địa phương. Theo bà Hà, những món ăn làm từ khoai mì không chỉ là lương thực mà còn là kỷ niệm với biết bao người, đặc biệt những người đã có nhiều thời gian gắn bó với quê hương như bà.
Bà Phùng Thị Thu Hà (phải) sắp xếp các loại bánh. Ảnh: T.K
“Đa số các loại bánh làm từ khoai mì ở địa phương tôi đều tốn nhiều thời gian. Ví dụ như bánh ít, các công đoạn thực hiện cơ bản giống chiếc bánh ít làm bằng bột nếp, nhưng kỳ công ở giai đoạn xử lý khoai mì. Khoai mì sau khi nhổ, lột vỏ, ngâm nước 2 - 3 giờ và mài củ thành bột (ngày nay mọi người có thể dùng máy xay để nhanh hơn), sau đó, cho bột vào vải lọc vắt kiệt nước; vo bột thành từng viên nhỏ để làm vỏ bánh. Các bước còn lại giống như bánh ít làm từ bột nếp. Ai đã một lần ăn những bánh này từ khoai mì có lẽ sẽ vấn vương mãi”, bà Hà chia sẻ.
Đưa ẩm thực truyền thống đi xa
Dù ở cùng tỉnh nhưng mỗi vùng miền, ẩm thực lại có phong vị riêng. Nhắc đến Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), nhiều người sẽ nhớ ngay đến món bánh xèo mực, bánh xèo nước cá. Đã nhiều năm kinh doanh bánh xèo phục vụ người dân và du khách, chị Đoàn Thị Huyền Trang (38 tuổi, ở xã Nhơn Hải) nhận thấy sự ưa chuộng của mọi người dành cho bánh xèo mực ngày một nhiều.
Chị Đoàn Thị Huyền Trang (ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) đã có nhiều năm gắn bó với bánh xèo mực. Ảnh: T.K
Chị Trang chia sẻ: “Hầu như ai đến Nhơn Hải cũng thích thưởng thức món bánh xèo mực. Nhờ sự yêu thích của mọi người, tôi đã gắn bó với nghề này được nhiều năm. Làm bánh xèo mực không khó. Điều quan trọng là chọn được mực tươi ngon và địa phương tôi có được lợi thế này. Thấy hương vị quê hương mình ngày càng đến gần với người dân, đặc biệt là du khách, tôi rất vui”.
Nhắc đến đặc sản Bình Định, không thể không nhắc đến bánh ít lá gai. Với khoảng 10 hộ sản xuất kinh doanh, làng bánh ít lá gai ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) được nhiều người biết đến. Bánh ít ở đây đã có mặt ở mọi miền đất nước, trở thành một trong những thực đơn phục vụ khách trên nhiều chuyến bay.
Là một trong những hộ làm bánh ít lá gai tại thị trấn Tuy Phước, bà Nguyễn Thị Đào (54 tuổi) cho biết: “Nghề làm bánh ít lá gai gắn bó với tôi từ ngày còn bé, chính những chiếc bánh này đã giúp cuộc sống gia đình tôi tốt lên từng ngày. Bây giờ tuổi ngày càng nhiều, sức khỏe không còn tốt, tôi dần chuyển nghề lại cho em gái và em dâu. Ba chị em cùng nhau làm, dìu dắt nhau đem bánh truyền thống đến với mọi người. Vì bánh truyền thống không có chất bảo quản, để bánh được tươi ngon, chúng tôi làm từ nửa đêm đến sáng là vừa giao đến tay người dùng”.
THẢO KHUY